Đi vệ sinh ra máu là một tình trạng có thể khiến bệnh nhân lo lắng nhiều, và chiếm không nhỏ nguyên nhân đến khám và điều trị ở khoa cấp cứu hay tiêu hóa. Vậy khi gặp tình trạng nghi ngờ đi vệ sinh ra máu, chúng ta nên làm gì và có nhận định như thế nào?
1. Hiểu đúng thế nào là đi vệ sinh ra máu?
Một số tình trạng khiến bạn cảm thấy mình giống như đi vệ sinh ra máu nhưng thật sự không phải, như phân đen do uống thuốc như bismuth (thường có trong một số toa điều trị Helicobacter Pylori) hay thực phẩm có nhiều sắt (thịt đỏ, huyết), phân lẫn màu đỏ do ăn thức ăn có màu đỏ trước đó. Những trường hợp này sẽ tự khỏi khi ngừng những tác nhân trên.
Nếu bạn thật sự đi vệ sinh ra máu, bạn sẽ thấy máu ở:
- Giấy vệ sinh dính máu sau khi đi đại tiện
- Trong bồn vệ sinh có máu
- Máu bên ngoài phân hay lẫn trong phân
Trong một số trường hợp, phân có thể đen như hắc ín (người ta hay ví như nhựa đường) chứ ko có màu đỏ của máu. Trong trường hợp đó thường do chảy máu vị trí trên cao của đường tiêu hóa.
2. Nguyên nhân đi vệ sinh ra máu?
Có 2 nguyên nhân thường gặp nhất gây đi vệ sinh ra máu, nhưng thường không nghiêm trọng:
- Do bệnh trĩ – Bệnh trĩ do những búi mạch trĩ tại hậu môn giãn to, vỡ rách gây chảy máu. Lúc này những búi trĩ có thể kèm đau và ngứa.
- Nứt, rách hậu môn – Do tình trạng rách da ở hậu môn
Tuy vậy, một số trường hợp đi vệ sinh ra máu rất nghiêm trọng hoặc là biểu hiện của một bệnh lý nặng khác như ung thư hay viêm, loét ruột hay đại tràng…
3. Khi bị đi vệ sinh ra máu, chúng ta nên chú ý thêm gì khác?
Nếu chú ý thêm những triệu chứng này, có thể giúp bạn gợi ý phần nào nguyên nhân và mức độ của tình trạng đi vệ sinh ra máu:
- Ngứa hay đau hậu môn
- Cảm giác đau nóng hay đau xé bụng khi đi vệ sinh
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Đi vệ sinh ra máu kéo dài hay tái đi tái lại
- Muốn đi vệ sinh nhưng không đi được
- Sốt, sụt cân, hay đổ mồ hôi đêm – thường là biểu hiện bệnh lý ác tính
- Phân đen hay đỏ bầm
- Thay đổi số lần đi vệ sinh trong ngày hay tính chất phân thay đổi (lỏng hơn hay đặc hơn)
Nếu đi vệ sinh ra máu bạn nên đi khám, nhưng nếu kèm theo các triệu chứng trên bạn nên đặc biệt chú ý đi khám ngay.
4. Khi đi khám các bác sĩ có thể làm xét nghiệm gì cho bạn?
Bác sĩ sẽ quyết định sử dụng xét nghiệm gì dựa trên tuổi, các triệu chứng khác và tình trạng mỗi người. Đây là các cách khám và phương tiện BS thường dùng trên một bệnh nhân đi vệ sinh ra máu:
- Khám hậu môn trực tràng – Bác sĩ sẽ quan sát bên ngoài hậu môn bệnh nhân, Bác sĩ cũng có thể dùng ngón tay đi vào trực tràng để đánh giá bên trong
- Soi trực tràng – Bác sĩ dùng một ống đưa vào hậu môn để soi trực tràng (phần thấp nhất của đại tràng) , ống soi sẽ có đèn để BS thấy rõ sang thương nếu có.
- Soi đại tràng – Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào hậu môn và đi sâu vào đại tràng, ống có camera để có thể quan sát bên trong , bằng cách này Bác sĩ có thể lấy mẫu mô đại tràng để sinh thiết.
5. Điều trị đi vệ sinh ra máu như thế nào?
Điều trị đi vệ sinh ra máu tùy thuộc vào nguyên nhân là gì. Một ít trường hợp không cần điều trị gì. Nếu cần, có thể là:
– Cung cấp thêm chất xơ và thuốc để làm mềm phân, tránh để tình trạng bón
– Ngồi vào thau nước ấm 2-3 lần/ ngày, mỗi lần 15p
– Bôi kem bên ngoài hay đặt thuốc vào hậu môn. Thuốc này giúp giảm ngứa, đau hay sưng hậu môn
– Những nguyên nhân gây đi vệ sinh ra máu nặng khác sẽ được điều trị đặc hiệu tùy tình huống
6. Có thể phòng ngừa đi vệ sinh ra máu không?
Nếu là đi vệ sinh ra máu do trĩ , bạn có thể phòng ngừa bằng cách uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ. Chất xơ gồm trái cây, rau, hay ngũ cốc…Một số trường hợp khó khăn hơn, bạn có thể cần thuốc nhuận tràng.
Xem thêm: Sa búi trĩ là gì – cách chữa, phẫu thuật cắt búi trĩ ở đâu tốt?