Sa búi trĩ là gì – cách chữa, phẫu thuật cắt búi trĩ ở đâu tốt?

bv
Group 1222
  • 1900 2345 29
  • Số 29 Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Sa búi trĩ là gì – cách chữa, phẫu thuật cắt búi trĩ ở đâu tốt?

Sa búi trĩ là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh trĩ. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể khiến người bệnh bị thiếu máu, nhiễm trùng, nghẹt búi trĩ, hoại tử búi trĩ và nhiều biến chứng khác. Vậy người bị sa búi trĩ phải làm sao? Có cách nào để búi trĩ co lại không?

Trong bài viết sau, chuyên mục tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lý nhạy cảm này. Qua đó, người bệnh có thể nhận biết và thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.

Sa búi trĩ là gì?

táo bón

Búi trĩ sa ra ngoài khiến người bệnh cảm thấy vướng víu và khó chịu

Sa búi trĩ là hiện tượng búi trĩ lòi ra ngoài, sa xuống khu vực hậu môn mỗi khi bệnh nhân đi đại tiện hoặc khi vận động mạnh. Mức độ sa nhiều hay ít tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh trĩ. Nếu trĩ nhẹ, người bệnh có thể chưa thấy đau, lộm cộm và khó chịu. Trường hợp trĩ nặng, búi trĩ lòi hẳn ra ngoài, phát triển lớn sẽ khiến bệnh nhân đau đớn mỗi lần đi vệ sinh, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.

Tình trạng sa búi trĩ có thể gặp ở cả trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Trĩ nội là khi các búi trĩ hình thành phía trên đường lược, bên trong ống hậu môn. Trĩ ngoại là khi các búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược. Trĩ hỗn hợp là khi trĩ nội và trĩ ngoại cùng xuất hiện và liên kết với nhau.

Dấu hiệu nhận biết sa búi trĩ

Các triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng sa búi trĩ bao gồm:

1. Khối u

Khi búi trĩ sa ra ngoài, người bệnh có thể sờ thấy một khối u nhỏ ở hậu môn khi vệ sinh sau đại tiện. Khối u chạm vào có cảm giác mềm, thường không đau. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể nhẹ nhàng đẩy búi trĩ trở về bên trong hậu môn.

2. Chảy máu

Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể phát hiện các vệt máu tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu khi đi đại tiện. Về sau, khi bệnh tiến triển, máu sẽ chảy thành giọt, thành tia với lượng đáng kể, khiến người bệnh bị mất máu và thiếu máu.

3. Ngứa hậu môn

Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa, ẩm ướt ở các vùng da xung quanh hậu môn khi bị trĩ. Triệu chứng này xảy ra khi búi trĩ sa ra ngoài, tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn.

4. Đau, khó chịu

Búi trĩ phát triển lớn có thể gây khó chịu và đau đớn cả khi đi đại tiện lẫn trong sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí, ngay cả việc đứng lên ngồi xuống cũng khiến bệnh nhân không thoải mái, thiếu tự nhiên.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây sa búi trĩ

sa búi trĩ

Mang thai cũng là một yếu tố nguy cơ gây sa búi trĩ

Bệnh trĩ hình thành khi các mô đệm ống hậu môn bị mất khả năng đàn hồi do sự thiếu hụt collagen, dẫn đến tình trạng giãn mạch máu và dây chằng treo trĩ. Khi không được điều trị, các búi trĩ sẽ to dần, sa xuống và lòi ra ngoài hậu môn.

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng sa búi trĩ. Việc dùng sức rặn khi đi đại tiện, nhất là trong trường hợp táo bón hoặc tiêu chảy sẽ làm gia tăng áp lực lên búi trĩ và khiến chúng bị sa ra ngoài.

Mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ sa búi trĩ. Có khoảng 40% phụ nữ mang thai bị mắc bệnh trĩ. Sa trĩ trong thai kỳ gây ngứa, đau, chảy máu khi đi tiêu và nhiều vấn đề khó chịu khác cho thai phụ.

Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ phổ biến khác. Trọng lượng cơ thể dư thừa có thể gây căng thẳng lên các tĩnh mạch trực tràng, tạo điều kiện cho các búi trĩ hình thành và sa xuống bên dưới.

Ngoài ra, tuổi tác, chế độ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, uống ít nước, lối sống lười vận động, ngồi nhiều, hút thuốc lá… cũng đều là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ và làm sa búi trĩ.

Biến chứng của sa búi trĩ

Tình trạng sa búi trĩ có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được can thiệp và xử lý kịp thời. Các biến chứng nguy hiểm thường gặp bao gồm:

1. Gây tắc tĩnh mạch

Khi búi trĩ phát triển lớn và sa xuống hậu môn, nó có thể chèn ép các mạch máu, gây cản trở quá trình lưu thông máu, khiến các tế bào niêm mạc hậu môn không được cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng. Tình trạng này diễn ra lâu ngày có thể làm hậu môn bị hoại tử, thậm chí biến chứng thành ung thư trực tràng.

2. Nghẹt búi trĩ

Búi trĩ bị sa ra ngoài sẽ ngày càng phát triển, phình to và đến một lúc nào đó sẽ không thể đưa trở lại vào trong hậu môn. Điều này có thể gây tắc nghẽn hậu môn, khiến người bệnh vô cùng đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến cơ chế bài tiết và loại thải phân.

3. Hoại tử búi trĩ

Sa búi trĩ sẽ làm tăng tiết dịch hậu môn, khiến vị trí này luôn trong tình trạng ẩm ướt, ngứa ngáy. Các vi khuẩn gây bệnh cũng nhờ đó mà sinh sôi và phát triển, dẫn đến viêm nhiễm hậu môn và làm tăng nguy cơ hoại tử.

4. Nhiễm trùng máu

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của sa búi trĩ là nhiễm trùng máu. Búi trĩ lớn có thể gây ra tình trạng nứt hậu môn và áp xe hậu môn, vi khuẩn gây bệnh thông qua các vết nứt và rách xâm nhập vào máu dẫn đến nhiễm trùng, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

5. Gây thiếu máu trầm trọng

Tình trạng sa búi trĩ và đi ngoài ra máu tươi kéo dài sẽ khiến cơ thể người bệnh rơi vào tình trạng thiếu máu nghiêm trọng. Người bệnh dễ bị hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, da xanh xao, hay ốm vặt, sức khỏe suy giảm…

Cách chữa sa búi trĩ

Có rất nhiều phương pháp điều trị sa búi trĩ khác nhau. Nếu triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách ăn bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, collagen và vitamin, uống nhiều nước, chườm mát giảm đau, tăng cường vận động, loại bỏ các thói quen làm tăng áp lực vùng trực tràng – hậu môn để giúp cải thiện vấn đề.

Tuy nhiên, nếu việc chăm sóc tại nhà không hiệu quả, búi trĩ sa ra ngoài gây đau đớn hoặc chảy máu, bệnh nhân sẽ cần can thiệp điều trị bằng các phương pháp y khoa. Tùy vào đặc điểm phân loại và cấp độ trĩ mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh. 

1. Điều trị bằng thuốc

sa búi trĩ

Điều trị sa búi trĩ bằng thuốc thường đem đến hiệu quả nhanh chóng

Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc uống hoặc thuốc bôi để giúp búi trĩ co lại và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Các loại thuốc được sử dụng có thể bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc giảm ngứa, chống viêm, thuốc giảm đau, thuốc tăng cường sức bền thành mạch, thuốc nhuận tràng… Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cách sử dụng chất xơ tan và không tan, các bài tập đại tiện, ngồi gối khoét lỗ.

Lưu ý là người bệnh chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua về sử dụng để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

2. Can thiệp thủ thuật

Tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các thủ thuật điều trị sa búi trĩ như thắt búi trĩ bằng vòng cao su, tiêm xơ hoá búi trĩ, đốt laser hay đông máu búi trĩ bằng quang đông hoặc nhiệt đông. Đối với trường hợp trĩ ngoại tắc mạch, bác sĩ có thể rạch một đường nhỏ để loại bỏ khối máu đông.

Các thủ thuật trên đều có quy trình thực hiện đơn giản, nhanh chóng và đem đến hiệu quả cao. Một số biến chứng có thể gặp phải có thể bao gồm xuất huyết, nhiễm trùng, viêm loét hậu môn… Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín và có chuyên khoa về tiêu hóa.

3. Điều trị sa búi trĩ bằng phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị sa búi trĩ ở cấp độ nặng và các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật cắt trĩ khác như: phẫu thuật khâu treo triệt mạch trĩ theo phương pháp Longo; phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler; cắt trĩ dưới niêm mạc; cắt trĩ truyền thống theo phương pháp mổ mở sử dụng dao Plasma hay bốc hơi búi trĩ bằng Laser Diode.

Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.

Các biện pháp phòng ngừa

Sa búi trĩ tuy không quá nguy hiểm nhưng lại làm giảm sút chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để phòng ngừa tình trạng này, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả sau:

  • Thay đổi thói quen ăn uống, bổ sung thực phẩm có nhiều chất xơ, vitamin như các loại rau củ quả, trái cây, các thực phẩm giàu collagen như cá hồi, trứng, bơ, hạt lanh, ngũ cốc nguyên hạt…
  • Uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng táo bón.
  • Không nên nhịn đi vệ sinh. Việc trì hoãn đi vệ sinh sẽ làm ruột tái hấp thu nước từ phân, làm phân cứng hơn khi đi đại tiện.
  • Không rặn mạnh khi đi tiêu vì sẽ gây căng thẳng cho các tĩnh mạch trực tràng và hậu môn, khiến búi trĩ dễ phình to ra.
  • Tránh ngồi lâu để giảm áp lực cho vùng hậu môn – trực tràng. Đối với những công việc có tính chất bắt buộc ngồi nhiều (tài xế, nhân viên văn phòng…) nên sử dụng gối nệm khoét lỗ để phòng tránh bệnh trĩ.
  • Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, vừa giúp ngăn ngừa táo bón, vừa có tác dụng giảm cân, tránh béo phì.
  • Tập luyện các bài tập đại tiện

Sa búi trĩ nên kiêng ăn gì?

thực phẩm dầu mỡ

Thực phẩm cay nóng có thể khiến tình trạng sa búi trĩ trở nên nghiêm trọng hơn

Người bị sa búi trĩ cần hạn chế một số nhóm thực phẩm để tránh tình trạng phát triển nghiêm trọng hơn:

  • Đồ uống có cồn, chất kích thích: Tiêu thụ nhiều rượu, bia, cà phê hay thức uống có ga có thể gây mất nước, dẫn đến táo bón. Đồng thời gia tăng nguy cơ tổn thương niêm mạc hậu môn, cản trở lưu thông máu.
  • Thực phẩm cay nóng: Đồ ăn cay nóng sẽ làm thân nhiệt tăng lên, khiến vi khuẩn phát triển mạnh, thúc đẩy hiện tượng viêm sưng các búi trĩ. Bên cạnh đó, chúng còn gây kích ứng niêm mạc dạ dày, ruột và làm quá trình đi tiêu trở nên khó khăn hơn.
  • Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ: Những thực phẩm này dễ gây đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa và làm tăng nguy cơ táo bón ở người bị sa búi trĩ.
  • Đồ ăn chứa nhiều muối: Khi ăn nhiều thức ăn mặn, lượng muối nạp vào cơ thể sẽ hấp thụ nước và khiến phân trở nên cứng hơn. Bên cạnh đó, chúng còn có thể gây ra các vấn đề xáo trộn khác ở hệ tiêu hóa, khiến việc thải phân gặp nhiều khó khăn.
  • Đồ ăn chứa nhiều đường: Việc tiêu thụ thường xuyên các loại bánh kẹo, đường không chỉ gây béo phì, táo bón mà còn làm tăng kích ứng vùng hậu môn, gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy.

Với đội ngũ chuyên gia giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị hiện đại, phương pháp tiếp cận và điều trị dành riêng cho các đối tượng đặc biệt. Trung tâm tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Hà Nội là địa chỉ đáng tin cậy cho quý khách có nhu cầu thăm khám và điều trị bệnh lý hậu môn – trực tràng.

Xem thêm: Sa búi trĩ uống thuốc gì? Điểm danh các loại thuốc điều trị bệnh trĩ phổ biến

Facebook
Google+
logo

Liên hệ

  • Công ty cổ phần Y Khoa HANO
  • Số 29 Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • 0981 500 770
  • CSKH@benhvienhanoi.vn
  • Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh số 119/BYT-GPHD do Bộ y tế cấp ngày 12/12/2017

Liên kết với chúng tôi

Coppyright ©2020 Benhvienhanoi. All Right Reserved. Terms & Conditions | Privacy Policy

Top

Call Now