Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Chụp CT não cung cấp thông tin về các mô não và cấu trúc hộp sọ chi tiết hơn so với chụp X quang, qua đó các bác sĩ có thể chẩn đoán hoặc đánh giá được tình hình chấn thương hoặc các bệnh lý liên quan tới não.
Chụp cắt lớp vi tính sọ não là gì?
Chụp cắt lớp vi tính sọ não là sử dụng tia X quét liên tục lên vùng đầu và mặt của bệnh nhân. Hình ảnh thu được sẽ được xử lý trên hệ thống vi tính, giúp tái tạo lại cấu trúc chi tiết của hộp sọ và các mô não bên trong theo lát cắt ngang. Từ đó bác sĩ sẽ phát hiện và chẩn đoán, đánh giá được những tổn thương hay bệnh lý bất thường của não bộ.
Trong một số trường hợp chụp CT sọ não, bệnh nhân sẽ được tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch ở tay hay vào trong ống sống, giúp làm nổi bật các cấu trúc và cơ quan để bác sĩ dễ dàng hơn. Chất cản quang này còn giúp kiểm tra dòng lưu thông của máu và kiểm tra xem có khối u, vùng viêm nhiễm hay tổn thương về thần kinh hay không.
Tại sao cần chụp CT não?
Chụp CT não cung cấp thông tin về các mô não và cấu trúc hộp sọ chi tiết hơn so với chụp X quang.
- Chụp CT não là kỹ thuật dùng nhiều tia X quang quét liên tục xung quanh não trong khi bàn bệnh nằm sẽ di chuyển từ cằm lên đỉnh đầu. Hình ảnh thu được sẽ được hệ thống vi tính xử lý, tái tạo để cho ra các cấu trúc hộp sọ và mô não bên trong.
- Chụp CT não thường được chỉ định thực hiện để đánh giá tình trạng của khối u trong não, chấn thương ở não, tụ máu nội sọ, các bất thường trong cấu trúc như não úng thủy, nhiễm trùng não hoặc các bệnh lý khác, đặc biệt là khi chụp X quang hoặc các xét nghiệm khác là không đủ để kết luận.
- Chụp CT não cũng được sử dụng để đánh giá hiệu quả của việc điều trị khối u trong não và phát hiện các cục máu đông trong não có thể gây đột quỵ.
- Chụp CT não hỗ trợ quá trình phẫu thuật não và sinh thiết não.
Chụp CT não có nguy hiểm không?
Nhìn chung chụp CT não là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh tương đối an toàn, có nguy cơ thấp. Mặc dù nhiều người lo lắng về lượng bức xạ tiếp xúc khi chụp CT nhưng lượng bức xạ trong mỗi lần chụp là tối thiểu. Tất cả các máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh mới hiện nay đều được cải tiến rất nhiều, nhằm giảm tối thiểu ảnh hưởng của tia tới bệnh nhân mà vẫn đảm bảo giá trị chẩn đoán.
Tuy nhiên với những trường hợp đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, cần thông báo ngay cho bác sĩ. Bức xạ tiếp xúc trong thai kỳ có thể dẫn tới dị tật bẩm sinh. Nếu cần thiết phải chụp CT não, người bệnh có thể sẽ nhận được một số biện pháp phòng ngừa đặc biệt để giảm thiểu bức xạ tiếp xúc với thai nhi. Người bệnh có thể hỏi bác sĩ về lượng phóng xạ được sử dụng trong suốt quá trình chụp CT và các rủi ro liên quan tới sức khỏe có thể xảy ra trước khi quyết định chụp CT não.
Người bệnh có thể hỏi bác sĩ về lượng phóng xạ được sử dụng trong suốt quá trình chụp CT và các rủi ro liên quan tới sức khỏe có thể xảy ra trước khi quyết định chụp CT não.
Những người sử dụng thuốc cản quang trong quá trình chụp CT não nên chờ khoảng 24 giờ sau khi tiêm mới bắt đầu cho con bú trở lại.
Một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng dị ứng với thuốc phản quang được sử dụng trong quá trình chụp CT não. Nếu bị dị ứng, nhạy cảm với loại thuốc này trước đây hoặc có vấn đề về thận, cần thông báo ngay cho bác sĩ. Đặc biệt là những người có vấn đề về thận vì thuốc cản quang có thể gây suy thận.
Ngoài ra bệnh nhân dùng thuốc điều trị tiểu đường metformin (Glucophage) cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho bác sĩ trước khi tiêm tĩnh mạch thuốc cản quang vì nó có thể gây ra một tình trạng hiếm gặp là nhiễm toan chuyển hóa.
Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân tạm ngừng sử dụng thuốc metformin trước thời điểm chụp CT não và sau 48 giờ có thể quay lại sử dụng bình thường.
Người bệnh cũng có thể cần phải thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận trước khi tiếp tục sử dụng metformin.
Ngoài ra còn có những biến chứng khác tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Trước khi chụp CT não cần chuẩn bị những gì?
Những người có vấn đề về thận hoặc bị dị ứng, nhạy cảm với thuốc cản quang, cần thông báo cho bác sĩ trước khi tiến hành chụp CT.
- Lưu ý: những người đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, cần kiểm tra trước khi có kế hoạch chụp CT não.
- Quần áo: người bệnh sẽ được yêu cầu thay quần áo đang mặc bằng áo choàng bệnh nhân. Tốt nhất không nên đeo đồ trang sức, nên để các vật dụng có giá trị ở nhà.
- Những người có vấn đề về thận hoặc bị dị ứng, nhạy cảm với thuốc cản quang, cần thông báo cho bác sĩ trước khi tiến hành chụp CT. Người bệnh có thể sẽ vẫn chụp CT mà không sử dụng thuốc cản quang hoặc thực hiện một xét nghiệm chẩn đoán bằng hình ảnh khác thay thế.
- Thuốc cản quang: hầu hết các trường hợp chụp CT thường không sử dụng thuốc cản quang. Loại thuốc này chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần làm rõ hình ảnh của một khối bất thường khi chụp CT.
- Ăn uống: nếu chỉ chụp CT não không dùng thuốc cản quang, người bệnh có thể ăn uống bình thường. Nếu chụp CT não cần sự hỗ trợ của thuốc cản quang, tốt nhất người bệnh không nên ăn bất cứ thứ gì 3 giờ trước khi chụp. Người bệnh cũng được khuyến khích uống nhiều chất lỏng.
- Bệnh nhân tiểu đường: bệnh nhân tiểu đường nên ăn sáng nhẹ hoặc ăn trưa khoảng 3 giờ trước khi chụp CT não. Tùy thuộc vào loại thuốc đang sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường, họ có thể sẽ phải ngưng sử dụng thuốc trong vòng 48 giờ sau khi chụp CT.
Sau khi chụp CT não cần lưu ý gì?
Với những trường hợp có sử dụng thuốc cản quang trong quá trình chụp CT, có thể cần phải theo dõi trong một khoảng thời gian sau đó để đề phòng có bất cứ phản ứng phụ hay phản ứng dị ứng nào, chẳng hạn như ngứa, sưng tấy, phát ban, khó thở. Thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào nêu trên.
Người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng vị trí tiêm tĩnh mạch thuốc cản quang bị sưng, đau, đỏ sau khi thực hiện chụp CT não. Đây cũng là những triệu chứng nguy hiểm cần thông báo ngay cho bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng.
Nếu không sử dụng thuốc cản quang, người bệnh có thể tiếp tục chế độ ăn uống sinh hoạt bình thường sau khi hoàn thành việc chụp CT não.
Xem thêm: Chụp CT và chụp MRI thì nên chọn phương pháp nào?