Ung thư cổ tử cung ngày càng phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt ở độ tuổi 30-40 tuổi. Dù nguy hiểm nhưng ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể chữa được nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, chị em không nên bỏ qua những dấu hiệu dưới đây nhé.
Cổ tử cung là một phần thuộc tử cung, nơi nối tiếp của âm đạo với tử cung, được bao phủ một lớp mô mỏng gồm nhiều tế bào.
Bệnh ung thư cổ tử cung hình thành bởi sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào ở cổ tử cung. Các tế bào phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung. Nếu không được điều trị kịp thời, khối u có thể xâm lấn các cơ quan lân cận gây suy thận, thiếu máu, phù chân hoặc tế bào ung thư di căn đến phổi, gan, xương…khiến việc điều trị trở nên phức tạp và làm giảm khả năng chữa khỏi bệnh.
Ảnh: Các giai đoạn bệnh ung thư cổ tử cung.
Ở giai đoạn bệnh nặng, bệnh nhân có thể sẽ phải xạ trị, cắt bỏ tử cung và buồng trứng, mất khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi (bệnh nhân sống khỏe mạnh trên 5 năm) càng cao. Tỷ lệ chữa khỏi UTCTC phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn phát triển của bệnh.
Cụ thể, ung thư ở thể nhẹ, ung thư tại chỗ: Tỷ lệ sống trên 5 năm lên đến 96% nếu điều trị tích cực. Ung thư cổ tử cung có quá trình phát triển từ 10 – 15 năm trước khi phát bệnh. Do vậy, chị em phụ nữ nếu khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư phụ khoa đều có thể phát hiện sớm căn bệnh này.
Nếu nhận thấy những dấu hiệu dưới đây, chị em hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bệnh:
– Xuất huyết âm đạo bất thường: Nếu chị em phụ nữ bỗng nhiên thấy có xuất huyết giữa chu kỳ hoặc phụ nữ đã mãn kinh đột nhiên thấy xuất huyết âm đạo mà không rõ nguyên nhân. Lượng máu có thể ít và không kèm theo biểu hiện bất thường nhưng không nên chủ quan.
– Dịch âm đạo nhiều hơn và có thay đổi bất thường: Dịch âm đạo của người bệnh ung thư cổ tử cung có thể nhiều hơn thông thường, đặc biệt màu sắc bất thường và kèm theo mùi hôi, tanh khó chịu.
– Đau vùng chậu và lưng: Hiện tượng này thường gặp khi bệnh đã ở mức độ nghiêm trọng. Những cơn đau vùng chậu, vùng lưng xuất hiện và có thể lan xuống chân, gây ra sưng phù chân.
– Chuột rút: Hiện tượng chuột rút có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng bạn cũng nên thận trọng vì đây rất có thể là biểu hiện của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu.
– Tiểu tiện bất thường: Hắt hơi hay vận động mạnh cũng khiến nước tiểu rò rỉ, nước tiểu lẫn máu hoặc bị đau buốt khi tiểu tiện,… Rối loạn kinh nguyệt như chậm kinh, kinh có màu bất thường, kinh nguyệt kéo dài.
Ảnh: Khám bệnh thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa và đề phòng ung thư cổ tử cung, các chị em phụ nữ cần giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ, hạn chế stress bởi chúng là yếu tố khiến mầm bệnh hình thành và phát triển nhanh hơn.
Bên cạnh đó, khám phụ khoa định kỳ 3-6 tháng và thực hiện các xét nghiệm tầm soát các tế bào ung thư là một trong những yếu tố quan trọng để sớm phát hiện bệnh.
Đặc biệt, chị em phụ nữ đang gặp các vấn đề như khí hư bất thường, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến CTC… thì cần đi khám và chữa trị dứt điểm để bệnh không tiến triển nặng hơn, dẫn đến phát triển thành ung thư cổ tử dung. Bên cạnh đó, trong cuộc sống thường ngày, chị em nên giữ gìn vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.