3 Căn bệnh về cột sống thường gặp ở người trưởng thành

bv
Group 1222
  • 1900 2345 29
  • Số 29 Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, Hà Nội

3 Căn bệnh về cột sống thường gặp ở người trưởng thành

Các bệnh lý cơ xương khớp thường kéo dài và gây cản trở đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Đặc biệt là đối với các đối tượng ở tuổi trưởng thành. Cột sống là một hệ trục vững chắc có thể nâng đỡ cơ thể do nhiều xương nhỏ riêng lẻ được hình thành hài hòa với nhau. Tuy nhiên, do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, đặc biệt nếu thường xuyên di chuyển, làm việc không khoa học, suy dinh dưỡng… thì trục này có nguy cơ bị thay đổi cấu trúc, không còn khỏe mạnh có thể gây ra các bệnh về cột sống, nặng nhất là thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm và cột sống.

xương khớp

Bệnh lý về cột sống ở người trưởng thành hay gặp

Có rất nhiều bệnh lý xương khớp thường gặp, đặc biệt là cột sống mà mọi người cần phải đặc biệt lưu ý để phòng ngừa, hay sớm có cách thức làm điều trị bệnh đúng lúc. Vì nếu như không được khắc phục rất nhanh, về lâu dài bệnh sẽ càng nặng và gây biến chứng khó điều trị . Bài viết dưới đây Bệnh viện Đa khoa Hà Nội sẽ chia sẻ đến các bạn những bệnh lý cột sống thường gặp ở người lớn. Hãy cùng theo dõi nhé!

Thoái hóa – gai cột sống 

Thoái hóa là quá trình tự nhiên của cơ thể, thường sẽ gặp sau tuổi 30. Mức độ thoái hóa phụ thuộc vào các yếu tố thúc đẩy. Như tính chất lao động, dinh dưỡng mất cân bằng, vận động ít hoặc quá sức.
Quá trình thoái hóa sẽ làm khiến tổ chức sụn và xương dưới sụn cũng bị biến đổi cấu trúc. Hình thành các vùng xương đặc, rỗng xen kẽ nhau. 

thoái hóa cột sống

Bệnh thoái hóa cột sống thường gặp sau tuổi 30

 

Gai cột sống hay gai đốt sống – là một trong những quá trình lão hóa tự nhiên tất yếu của con người. Khi cơ thể già đi, sự mất nước ở đĩa đệm bị hao mòn. Dây chằng cố định xương cũng trở nên lỏng lẻo. Trong những nỗ lực chống lại quá trình lão hoá này, cơ thể đã tạo ra các mấu xương , là các phần xương mọc thêm ra phía ngoài và hai bên của cột sống nhằm duy trì sự ổn định và giảm bớt căng thẳng cho cột sống, lâu dần sẽ hình thành gai cột sống. Đây chính là một trong những biến chứng của căn bệnh thoái hóa cột sống.

Gai cột sống có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống, tuy nhiên thường hình thành ở những bộ phận chịu nhiều áp lực của cơ thể như đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng.

Phân loại gai đốt sống

Gai đốt sống cổ

gai đốt sống cổ

Gai cột sống có nhiều triệu chứng dễ nhầm lẫn

Gai cột sống cổ là tình trạng thoái hóa tại đốt sống cổ, gây chèn ép thần kinh. Đây là bệnh lý xương khớp nguy hiểm, tiến triển âm thầm với các triệu chứng dễ nhầm lẫn. Nếu điều trị không triệt để, bệnh có thể biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh cản trở cơ chế hoạt động của cột sống. Tùy vào từng vị trí chèn ép (tủy cổ, rễ thần kinh vùng cổ, động mạch sống…) gai cột đốt sống cổ sẽ gây ra một số hội chứng điển hình như hội chứng cổ – vai; hội chứng cổ – vai – cánh tay; hội chứng động mạch đốt sống – thân mềm; hội chứng chèn ép tủy cổ.

Gai đốt sống thắt lưng

Nằm ở giữa lồng xương sườn và xương chậu, cột sống thắt lưng là chuỗi các đốt sống thắt lưng xếp nối liền với nhau, được giới hạn bởi phía trước là thân đốt sống và các đĩa đệm, phía sau là dây chằng vành và các cung đốt sống, bên cạnh là các cuống sống, vòng cung và lỗ ghép.

Gai cột sống thắt lưng là sự phát triển thêm của xương do quá trình xơ hóa xương dưới sụn và sụn khớp ở cột sống lưng bị bào mòn. Hầu hết người mắc bệnh có triệu chứng trong một thời gian dài, nhưng sau đó biến mất. Đôi khi, chỉ cần di chuyển đột ngột có thể làm các triệu chứng sẽ lại xuất hiện. 

Gai cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính tiến triển tăng dần, gây biến dạng cột sống thắt lưng mà không có biểu hiện viêm. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như phần giữa cột sống, đau nhức lưng dưới, các phần ngạnh của xương sống do sự ảnh hưởng nhô ra của gai xương đến các vị trí khác trên cột sống.

Triệu chứng bệnh gai cột sống

Gai cột sống có kích thước rất nhỏ và phần lớn chỉ xuất hiện ở mặt trước và bên của cột sống, do đó không phải ai cũng có triệu chứng và phát hiện sớm, bệnh có thể âm ỉ trong nhiều năm. 

gai đốt sống

Gai cột sống để lâu sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm

Biểu hiện thường gặp là đau vai, đau lưng, đau thắt lưng, đau cổ gáy, lan xuống cánh tay, làm tê tay… Theo đó, các dấu hiệu rõ ràng nhất là:

  • Đau ở vùng cổ, vai, thắt lưng. Cơn đau tăng lên khi di chuyển, vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Đau tê ở cổ lan qua hai tay hoặc đau ở lưng dọc xuống hai chân.
  • Giảm khả năng vận động ở cổ, cánh tay, tay…
  • Mất cân bằng cơ thể, cơ bắp hoặc tay chân yếu đi.
  • Trường hợp nguy cấp, bệnh nhân sẽ tiểu tiện và đại tiện mất kiểm soát.
  • Trường hợp rất nặng, bệnh nhân rơi vào tình trạng rối loạn thần kinh thực vật (các phản xạ tự động rối loạn, tăng tiết mồ hôi, suy giảm hô hấp…).

Thoái hóa – gai cột sống có thể gây chèn ép thần kinh, mạch máu. Ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người bệnh. Bệnh có diễn tiến nặng sẽ gây những cơn đau tại vùng thoái hóa, vùng thần kinh ngoại vi. Do chèn ép như đau buốt vùng cổ – chẩm, vai gáy, cánh tay hoặc lan xuống bàn ngón tay với cột sống cổ, đau buốt vùng ngực, lan sang mạn sườn với cột sống ngực, đau mỏi thắt lưng – hông, đau vùng đùi lan xuống bắp chân và bàn ngón chân với cột sống thắt lưng… Nhiều trường hợp người bệnh không thể đi lại được.

Thoái hóa – thoát vị đĩa đệm- Bệnh cột sống ở người trưởng thành hay gặp

thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm – bệnh cột sống thường gặp ở người trưởng thành

Đĩa đệm là tổ chức phần mềm quan trọng nằm giữa hai đốt sống. Đây được coi là “giảm xóc” cho hệ cột sống. Và làm cho cột sống được uyển chuyển linh hoạt trong các cử động. Bệnh lý về đĩa đệm là bệnh phổ biến nhất trong bệnh cột sống.

Khi đĩa đệm giảm sức sống đồng thời giảm chức năng gọi là thoái hóa đĩa đệm. Khi đó chúng sẽ mất sự đàn hồi, giảm chiều cao, mất nước…. Từ đó giảm linh hoạt hạn chế sự chuyển động của đốt sống. Gây nên các bệnh lý khác như thoái hóa, căng cơ….

Khi đến một mức độ nhất định, nhân nhày đĩa đệm sẽ phá vỡ vòng xơ để “chui tọt” ra ngoài chèn ép lên tủy sống hoặc các rễ thần kinh gây nhức mỏi, đau đớn cho người bệnh. Cơn đau tăng lên khi ngồi lâu, đứng lâu hoặc đi bộ dài, cơ đau có thể lan xuống mông, đùi, bắp chân… Gây teo, yếu nặng liệt các chi.

Xem thêm: Thoát vị đĩa đệm nên ăn gì và kiêng ăn gì tốt nhất?

Bệnh thoát vị đĩa đệm được chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Đĩa đệm bắt đầu biến dạng nhưng vòng bao xơ chưa rách. Người bệnh có thể thỉnh thoảng bị tê tay, tê chân, không đau nhức nên hầu hết không ai phát hiện mình đang mắc bệnh.
  • Giai đoạn 2: Vòng xơ rách một phần, nhân nhầy bắt đầu thoát ra ngay chỗ vòng xơ bị suy yếu, đĩa đệm phình to, tuy nhiên cơn đau vẫn chưa rõ ràng.
  • Giai đoạn 3: Vòng xơ rách toàn phần, nhân nhầy lồi ra ngoài và chèn ép rễ thần kinh. Đa số khi đến giai đoạn này, người bệnh mới bắt đầu điều trị khi đã trải qua sự hành hạ của các cơn đau.
  • Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất. Tình trạng chèn ép rễ thần kinh diễn ra lâu ngày gây biến chứng nguy hiểm. Cơn đau nhức dữ dội và dai dẳng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý người bệnh.

thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm được chia làm 4 giai đoạn

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm có thể khác nhau tùy vào vị trí đĩa đệm bị thoát vị và dây thần kinh bị chèn ép. Triệu chứng đau chỉ xuất hiện khi nhân nhầy trung tâm thoát ra ngoài, chèn vào mô xung quanh có dây thần kinh đi qua.

Biểu hiện thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

  • Đau thắt lưng đột ngột và dữ dội.
  • Đau âm ỉ lan tỏa ở vùng thắt lưng, đau buốt từng cơn.
  • Cử động bất tiện, khả năng ưỡn lưng hay cúi thấp khó.
  • Đau thắt lưng kèm theo đau thần kinh tọa, đau lan theo hình vòng cung ra phía trước ngực, dọc khoang liên sườn.
  • Đau tăng khi ngồi, nằm nghiêng, ho, hắt hơi hoặc đại tiện. Khi nằm nghiêng hoặc vận động mạnh, cơn đau sẽ càng tăng.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

  • Đau hoặc cứng vùng cổ, vai gáy, lan đến 2 bả vai.
  • Nhức mỏi dọc vùng gáy.
  • Đau tăng khi xoay cổ, ưỡn cổ, làm việc nhiều hoặc lái xe.
  • Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị đau đầu, nhức đầu, chóng mặt.
  • Cơn đau xảy ra liên tục hoặc ngắt quãng. Cổ bị đau tăng khi nghiêng, xoay, cúi, ngửa cổ hay hắt hơi, ho.

Trượt đốt sống sống thắt lưng

trượt đốt sống

Trượt đốt sống là bệnh lý không hiếm gặp hiện nay

Trượt đốt sống là bệnh lý không hiếm gặp hiện nay. Bệnh thường do các nguyên nhân chính như chấn thương cột sống, lao động nặng liên tục, thoái hóa cột sống, loạn sản xương….Ở những giai đoạn đầu, bệnh thường không biểu hiện nhiều. Thường được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi khám.

Các mức độ của trượt đốt sống thắt lưng

Mức độ trượt đốt sống lưng được xác định bằng tỉ lệ dựa trên phim X quang quy ước ở tư thế nghiêng. Tỷ lệ trượt được tính bằng khoảng cách trượt với độ rộng của thân đốt sống trượt.

Trượt đốt sống lưng được chia thành 5 mức độ như sau:

  • Độ 1: trượt 0 – 25% thân đốt sống
  • Độ 2: trượt 26 – 50% thân đốt sống
  • Độ 3: trượt 51 – 75% thân đốt sống
  • Độ 4: trượt 76 – 100% thân đốt sống
  • Độ 5: trượt hoàn toàn, đốt trên hoàn toàn rời khỏi bề mặt thân đốt dưới.

trượt đốt sống

Trượt đốt sống lưng được chia thành 5 mức độ

Mức độ trượt càng cao thì bệnh trượt đốt sống lưng càng nặng và cần phải tiến hành chữa trị kịp thời, để càng lâu mức độ trượt càng cao.

Các triệu chứng của trượt đốt sống thắt lưng

Bệnh trượt đốt sống thắt lưng tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có nhiều triệu chứng để nhận biệt trượt đốt sống thắt lưng nhưng ở giai đoạn khởi phát, người bệnh có thể chỉ cảm thấy đau lưng, tê chân không rõ ràng nên thường chủ quan, không đi khám.

  • Giai đoạn đau thắt lưng: Các cơn đau sẽ diễn biến nặng dần, ban đầu là đau khi đi, cúi, ngửa, đứng lâu rồi dần dần tăng lên khi vận động, đau khi thay đổi tư thế từ ngồi lên đứng, vừa đi bộ phải vừa nghỉ vì đau. Lâu dần, cơn đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân, bàn chân, có thể kèm theo tê, đau tăng lên khi ho, hắt hơi.
  • Giai đoạn bệnh nặng: Bệnh nhân vẫn đối mặt với các cơn đau kèm theo co cứng cơ ở thắt lưng, căng cơ ở mặt trong đùi. Dáng đi hơi khom lưng về phía trước, mất đường cong sinh lý, có thể vẹo sang một bên, gù lưng. Tình trạng đau thắt lưng theo từng đợt, đau theo cơn, dữ dội và ngày càng xuất hiện dày hơn, đôi khi có cảm giác nóng như lửa đốt. Nặng hơn, bệnh nhân có thể sờ thấy chỗ hõm vùng thắt lưng (dấu hiệu bậc thang), teo cơ do thiếu vận động, dáng giống trẻ em tập đi…

Các triệu chứng thường gặp như đau lưng thoáng qua dần dần xuất hiện đau lưng nhiều khi bệnh nhân đi, đứng lâu hoặc ưỡn cúi. Nặng hơn bệnh nhân có cảm giác đau buốt lan xuống mông, đùi, cẳng chân, bàn ngón chân biểu hiện của sự chèn ép rễ thần kinh. Bệnh nhân dần thay đổi tư thế và dáng đi, xuất hiện vết lõm vùng cột sống. Thường xuyên căng cứng cơ, hoặc cong vẹo.

 

Facebook
Google+
logo

Liên hệ

  • Công ty cổ phần Y Khoa HANO
  • Số 29 Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • 0981 500 770
  • CSKH@benhvienhanoi.vn
  • Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh số 119/BYT-GPHD do Bộ y tế cấp ngày 12/12/2017

Liên kết với chúng tôi

Coppyright ©2020 Benhvienhanoi. All Right Reserved. Terms & Conditions | Privacy Policy

Top

Call Now