Skip to main content

Tầm Soát Ung Thư cổ tử Cung Bao Lâu 1 Lần? Lời Khuyên Từ Chuyên Gia Ung Bướu

0
Cập nhật lần cuối: 24/03/2025

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm các quốc gia trên thế giới ghi nhận hơn 500.000 trường hợp mắc mới bệnh ung thư cổ tử cung và số ca tử vong lên tới 250.000 ca (1). Để có thể phát hiện được bệnh từ sớm thì chủ động xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là biện pháp tối ưu. Từ đó giúp đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, nâng cao được tỷ lệ sống cho người bệnh.

Tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?
Tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu 1 lần?

Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là tình trạng loạn sản tế bào xuất hiện ở lớp mô lót của cổ tử cung – phần dưới của tử cung (dạ con), phần nối tử cung với âm đạo. Quá trình hình thành khối u bắt đầu khi các tế bào lót ở cổ tử cung phát triển không kiểm soát và lấn át các tế bào thường (2).

Mặc dù hiện nay vacxin phòng ngừa ung thư cổ tử cung HPV đã được nhiều người tiêm. Tuy nhiên hiệu quả của vacxin chỉ trong vòng 4 – 6 năm. Ngoài ra đối với ung thư cổ tử cung, ở giai đoạn đầu bệnh cũng rất khó phát hiện. Nếu không chủ động khám phụ khoa hay tầm soát ung thư thì việc người bệnh phát hiện ra các tế bào bất thường trong cơ thể là rất khó.

Khi đã có những triệu chứng của ung thư cổ tử cung thì thường bệnh ở giai đoạn muộn, khi đó các khối u đã phát triển, xâm lấn và di căn đến các bộ phận khác.

Vì thế các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ nên xét tầm soát ung thư cổ tử cung từ sớm. Việc phát hiện bệnh từ sớm sẽ giúp tăng tỷ lệ điều trị bệnh thành công khoảng 80% đến 90%. Đối với bệnh ở giai đoạn 2, tỷ lệ điều trị thành công là 75%. Giai đoạn 3 sẽ được 30% đến 40%, khi bệnh phát hiện ở giai đoạn 4, tỷ lệ chỉ còn 15%.

Theo các chuyên gia khuyến cáo: phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung từ sớm
Theo các chuyên gia khuyến cáo: phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung từ sớm

Bao lâu nên tầm soát ung thư cổ tử cung 1 lần?

Theo BS Phạm Thị Phượng – Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết:

Có nhiều phác đồ để tầm soát ung thư cổ tử cung. Tầm soát ung thư cổ tử cung thực hiện với thời gian bao nhiêu lâu 1 lần tuỳ thuộc vào từng loại phác đồ sử dụng. Hiện tại ở Việt Nam khuyến cáo sử dụng 3 phác đồ để tầm soát ung thư cổ tử cung, cụ thể như sau:

  • Phác đồ 1: Pap’s smear đầu tay ( PAP test/ Thin PAP): Sàng lọc định kỳ lại PAP sau mỗi 2-3 năm
  • Phác đồ 2: HPV đầu tay ( định typ từng phần): Sàng lọc định kỳ lại sau mỗi 3-5 năm
  • Phác đồ 3: Sàng lọc bằng bộ đôi Co-testing ( HPV và tế bào học): Sàng lọc định kỳ lại sau 3-5 năm

Trên 65 tuổi: có thể ngừng sàng lọc nếu có:

  • Ít nhất 3 lần xét nghiệm sàng lọc có kết quả âm tính, hoặc
  • Ít nhất 2 lần sàng lọc đồng thời bằng tế bào học và HPV có kết quả âm tính.
  • Không có kết quả xét nghiệm bất thường trong vòng 10 năm trước đó.
  • Đã cắt tử cung toàn phần vì bệnh lý lành tính.

Ai nên tầm soát ung thư cổ tử cung?

Những người nên thực hiện tầm soát sớm ung thư cổ tử cung được các chuyên gia khuyến cáo bao gồm:

  • Phụ nữ trong độ tuổi trung niên: Đây là độ tuổi có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao, nhất là đối với những người chưa từng thực hiện tầm soát hay phòng ngừa ung thư cổ tử cung trước đó. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo việc phụ nữ từ độ tuổi 21 cũng nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung từ sớm.
  • Những ai khi có các dấu hiệu bất thường ở cơ thể như chảy máu ngoài kỳ kinh nguyệt, rong kinh…
  • Khi quan hệ tình dục thấy đau rát.
  • Những người mắc viêm nhiễm phụ khoa mạn tính.

Khi nào nên tầm soát ung thư cổ tử cung?

Theo như Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACCS) và các chuyên gia khuyến cáo: Việc tiêm vacxin có khả năng giúp phòng ngừa HPV, tuy nhiên phụ nữ vẫn cần phải thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để hiệu quả phòng ngừa ung thư cổ tử cung được nâng cao.

Độ tuổi thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung được khuyến nghị:

Dưới 21 tuổi

Ở độ tuổi này không cần thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Độ tuổi từ 21 đến 29 tuổi

Ở độ tuổi này, phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư càng sớm càng tốt. Theo như khuyến cáo thì ở độ tuổi 21, phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư bằng phương pháp xét nghiệm Pap. Sau đó thì nên tầm soát ung thư cổ tử cung 3 năm/lần.

Độ tuổi từ 30 đến 65 tuổi

Theo các chuyên gia, phụ nữ ở độ tuổi từ 30- 65 tuổi nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung với những phương pháp sau:

  • Thực hiện xét nghiệm HPV định kỳ 5 năm một lần: Trong trường hợp kết quả bình thường, có thể đợi sau 5 năm để thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung cho lần tiếp theo.
  • Thực hiện xét nghiệm HPV kết hợp với xét nghiệm Pap định kỳ 5 năm/ 1 lần. Trong trường các kết quả đều bình thường, thì sau 5 năm có thể thực hiện đợt kiểm tra tiếp theo.
  • Thực hiện xét nghiệm Pap định kỳ 3 năm/ lần.

Tuy nhiên, việc tiến hành tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu cho 1 lần  cũng có thể phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bản thân và theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thực hiện các cách tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ trong 3-5 năm/lần giúp sớm phát hiện các chỉ số bất thường, cảnh báo nguy cơ ung thư.
Thực hiện các cách tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ trong 3-5 năm/lần giúp sớm phát hiện các chỉ số bất thường, cảnh báo nguy cơ ung thư.

Độ tuổi trên 65

Khi thực hiện các xét nghiệm HPV và Pap có kết quả bình thường ở độ tuổi này. Thì người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn về vấn đề có nên tiếp tục thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung hay không. Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu bất thường thì vẫn cần phải thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung.

Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay

Hiện nay các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay, bao gồm:

Khám phụ khoa

Đối với các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, thường không rõ ràng và điển hình. Chính vì thế mà khi người bệnh phát hiện ra bệnh thì thường ở giai đoạn muộn. Vì thế việc khám phụ khoa định kỳ từ 6 tháng – 1 năm/ 1 lần đối với phụ nữ ở độ tuổi sinh sản là rất quan trọng.

Mặc dù các phương pháp khám phụ khoa thông thường không thể khẳng định kết quả ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên việc khám phụ khoa vẫn sẽ giúp các bác sĩ phát hiện ra được những bất thường, đánh giá được những tổn thương, viêm nhiễm từ sớm. Để từ đó có các chỉ định thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu phù hợp hơn.

 Nghiệm pháp VIA:

  • Là phương pháp quan sát cổ tử cung với acid acetic (Visual Inspection with Acetic acid – VIA) đã được nghiên cứu và đề xuất như là phương pháp bổ sung/thay thế cho xét nghiệm tế bào học ở những cơ sở y tế không làm được xét nghiệm này.
  • Dung dịch acid acetic 3-5% gây đông vón protein tế bào và làm xuất hiện hình ảnh trắng với acid acetic ở vùng biểu mô bất thường.
  • Đây là phương pháp dễ thực hiện, phù hợp trong sàng lọc và phòng chống ung thư cổ tử cung tại tất cả các tuyến y tế, đặc biệt đối với tuyến y tế cơ sở.

Nghiệm pháp VILI:

Là phương pháp VILI (Visual Inspection with Lugol’s Iodine) còn được gọi là Nghiệm pháp LUGON là phương pháp chấm cổ tử cung bằng dung dịch Lugoi 5% và quan sát bằng mắt thường. Phương pháp dựa trên nguyên lý bắt màu của glycogen có trong biểu mô vảy nguyên thuỷ và biểu mô dị sản vảy trưởng thành của cổ tử cung khi tiếp xúc với dung dịch Lugol chứa iod.

Các biểu mô dị sản vảy mới hình thành, mô viêm, mô tiền ung thư và ung thư cổ tử cung không chứa hoặc chỉ chứa rất ít glycogen, do đó không bắt màu dung dịch Lugol hoặc bắt màu không đáng kể, chỉ có màu vàng nhạt của dung dịch Lugol nằm trên biểu. mô. Có thể thực hiện VILI riêng hoặc phối hợp ngay sau khi đã làm xét nghiệm VIA.

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung ( Pap’s smear):

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung là phương pháp thường dùng nhất để sàng lọc ung thư cổ tử cung đã được thừa nhận từ nhiều thập niên qua do thoả mãn các điều kiện: độ nhạy khá, có thể lặp lại nhiều lần và đã chứng minh được tính hữu hiệu khi hạ thấp tần suất ung thư xâm lấn cổ tử cung ở các nước phát triển.

Xét nghiệm HPV:

Hiện nay một số  xét nghiệm chẩn đoán có thể phát hiện các týp HPV nguy cơ cao sinh ung thư, chúng có thể được sử dụng trong lâm sàng như là xét nghiệm sàng lọc sơ cấp riêng biệt hoặc phối hợp với phương pháp khác. Xét nghiệm HPV có độ nhạy cao và giá trị dự báo âm tính cao. Nếu xét nghiệm HPV(-) gần như không có nguy cơ hình thành CIN III trong vòng 5 năm sau đó. Điều này cho phép giãn thời gian sàng lọc và giảm số lần sàng lọc trong cuộc đời người phụ nữ.

Soi cổ tử cung:

Bằng thiết bị phóng đại chuyên dụng trong khám phụ khoa, soi cổ tử cung sẽ giúp quan sát thấy rõ được khu vực cổ tử cung. Phương pháp này mang lại được những hình ảnh rõ nét, phóng to gấp 10-30 lần so với thực tế. Nhờ đó giúp cho việc các bác sĩ phát hiện ra được những bất thường, tổn thương được rõ hơn bằng mắt thường. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ kết hợp dung dịch Axit axetic nồng độ 3-5% (chứng nghiệm Hinselmann) và dung dịch lugol nồng độ 2% (chứng nghiệm Schiller) vào cổ tử cung để giúp định vị được chính xác khu vực tổn thương.

Trong quá trình soi cổ tử cung, nếu phát hiện được những bất thường, thì bác sĩ sẽ lấy một vài mảnh mô nhỏ cổ tử cung để thực hiện sinh thiết. Các mẫu mô này sẽ được nhuộm và soi trên kính hiển vi nhằm giúp phát hiện được ra các tế bào lành hay ác tính, giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Soi cổ tử cung được chỉ định trong các trường hợp sau đây

+  Các trường hợp xét nghiệm tế bào học cổ tử cung có một trong các tổn thương sau đây: Tế bào vảy không điển hình chưa loại trừ tổn thương nội biểu mô vảy độ cao (ASC-H), tế bào tuyến không điển hình (AGC), tổn thương nội biểu mô vảy độ thấp (LSIL), tổn thương nội biểu mô vảy độ cao (HSIL) hoặc tế bào ung thư (biểu mô vảy hoặc tuyến).

+ Những trường hợp xét nghiệm tế bào không thể phân loại được hoặc có xu hướng tiến triển bệnh nặng hơn.

+ Những trường hợp quan sát thấy có tổn thương: loét, sùi, chảy máu hoặc vết trắng.

+ Xét nghiệm HPV nguy cơ cao: HPV 16 và/hoặc 18 (+).

Sinh thiết cổ tử cung:

Sinh thiết cổ tử cung cần được thực hiện trong trường hợp có tổn thương nghi ngờ ở cổ tử cung và ở tuyến y tế có điều kiện xét nghiệm mô học, bao gồm các trường hợp sau:

+ Khám lâm sàng: nghi ngờ ung thư cổ tử cung

+ VIA: nghi ngờ ung thư cổ tử cung

+ Soi cổ tử cung: hình ảnh bất thường hoặc nghi ngờ ung thư xâm lấn.

Các xét nghiệm marker ung thư cổ tử cung ( CEA, SCC):

Là xét nghiệm tìm kiếm các marker ung thư (cancer marker) trong máu, nước tiểu hoặc các mô cơ thể để phát hiện/chẩn đoán ung thư được thực hiện dựa trên cơ sở các marker này là các chất (protein, chất tiết…) được tạo ra bởi các tế bào ung thư hoặc bởi các tế bào bình thường khi đáp ứng với sự có mặt của tế bào ung thư trong cơ thể. Nó có thể dùng để hỗ trợ chẩn đoán, hoặc theo dõi sau điều trị ung thư cổ tử cung

Phương pháp HPV DNA:

  • Đây là phương pháp có chi phí cao nhưng mang lại độ chính xác cao nhất, sử dụng hệ thống máy tách chiết DNA tự động và công nghệ hiện đại nhằm phân tích, xác định chính xác sự tồn tại của virus HPV trong lớp mô lót của cổ tử cung.
Xét nghiệm Thinprep tầm soát bất thường tế bào cổ tử cung kết hợp sàng lọc virus HPV giúp phát hiện trên 90% nguy cơ ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
Xét nghiệm Thinprep tầm soát bất thường tế bào cổ tử cung kết hợp sàng lọc virus HPV giúp phát hiện trên 90% nguy cơ ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.

Quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung diễn ra như thế nào?

Nhằm đáp ứng nhu cầu sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội triển khai gói dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung tổng quát. Với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị ung thư cũng như các bệnh phụ khoa; hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu cho kết quả tầm soát nhanh chóng, độ chính xác cao.

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm Pap smear và xét nghiệm HPV. Cả 2 xét nghiệm này đều được thực hiện lấy bệnh phẩm tại cổ tử cung. Quá trình thực hiện khá nhanh và đơn giản. Bạn sẽ được hướng dẫn nằm lên bàn khám phụ khoa, bác sĩ bộc lộ cổ tử cung bằng cách đặt mỏ vịt vào âm đạo. Các tế bào sẽ được lấy bằng một bàn chải nhỏ, không gây đau hay bất kỳ khó chịu nào. Sau đó, các tế bào sẽ được đặt vào một dung dịch đặc biệt và gửi đến phòng xét nghiệm.

– Đối với Pap test: Mẫu tế bào sẽ được quan sát dưới kính hiển vi xem có xuất hiện tế bào bất thường không.

– Đối với xét nghiệm HPV: Mẫu tế bào sẽ được kiểm tra xem liệu có sự hiện diện của các chủng vi-rút HPV nguy cơ rất cao, nguy cơ cao có thể gây tổn thương cổ tử cung hay không

Câu hỏi thường gặp về tầm soát ung thư cổ tử cung

Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì và vì sao cần thực hiện?

  • Ung thư cổ tử cung là ung thư phổ biến thứ 4, là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong cho phụ nữ. Trên toàn cầu ước tính cứ 2 phút có 1 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung. Bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, khi triệu chứng xuất hiện thông thường là lúc ung thư đã phát triển và ở vào giai đoạn khó điều trị
  • Tầm soát ung thư cổ tử cung là phương pháp khám, sử dụng các xét nghiệm để sàng lọc, phát hiện các tế bào bất thường , tiền ung thư ở khu vực cổ tử cung.
  • Tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư, ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm nhất, ngay cả khi chưa có triệu chứng lâm sàng, giúp tăng hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Ngoài ra phát hiện ở giai đoạn sớm còn giúp bảo tồn chức năng sinh sản, khả năng mang thai cho người bệnh

Các yếu tố nguy cơ nào đòi hỏi cần tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên hơn?

  • Phụ nữ có tiền sử nhiễm virus HPV (human papillomavirus) kéo dài, virus này là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung.
  • Phụ nữ đã từng bị viêm cổ tử cung mãn tính hoặc có quá trình biến chứng từ viêm cổ tử cung.
  • Phụ nữ có tiền sử gia đình có người mắc ung thư cổ tử cung.
  • Phụ nữ có hệ miễn dịch yếu.
  • Phụ nữ đã từng có các biến chứng sau sinh như viêm tử cung nhiễm trùng nặng.
  • Phụ nữ có nhiều bạn tình, có tiền sử hay viêm nhiễm phụ khoa, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục, đau bụng hạ vị kéo dài…

Nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung ở độ tuổi nào?

Tuổi được khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung là 21 tuổi. Tuy nhiên con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào các đặc điểm riêng của mỗi cá thể như: Tuổi bắt đầu quan hệ tình dục, đời sống tình dục, số bạn tình, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đã từng mắc, miễn dịch của cơ thể, điều kiện tầm soát của người bệnh…

Những ai nên tầm soát ung thư cổ tử cung?

Tất cả các phụ nữ từ 21 tuổi trở lên đều nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ theo khuyến cáo để phát hiện sớm các bất thường nếu có.

Tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không?

Tầm soát ung thư cổ tử cung diễn ra an toàn, không gây đau đớn hay khó chịu, người bệnh được thăm khám phụ khoa, lấy xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung nhanh chóng và dễ dàng, cho kết quả chính xác cao.

Có cần tiếp tục tầm soát ung thư cổ tử cung nếu đã tiêm phòng vacxin HPV không?

Phụ nữ đã chích ngừa vắc-xin HPV vẫn cần tuân thủ lịch trình tầm soát ung thư cổ tử cung thường quy.

Phụ nữ đã mãn kinh có cần tầm soát ung thư cổ tử cung không?

Phụ nữ đã mãn kinh vẫn cần tiếp tục tầm soát ung thư cổ tử cung. Có thể ngưng tầm soát khi trên 65 tuổi và thoả mãn các điều kiện sau:

  • Ít nhất 3 lần xét nghiệm sàng lọc có kết quả âm tính, hoặc
  • Ít nhất 2 lần sàng lọc đồng thời bằng tế bào học và HPV có kết quả âm tính.
  • Không có kết quả xét nghiệm bất thường trong vòng 10 năm trước đó.
  • Đã cắt tử cung toàn phần vì bệnh lý lành tính.
#tầm soát ung thư#ung bướu
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận