Xét Nghiệm Tầm Soát Ung Thư là Gì? 13 Loại Xét Nghiệm Ung Thư Phổ Biến
Xét nghiệm dấu ấn ung thư là phương pháp giúp phát hiện bệnh ung thư, có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, tầm soát, điều trị ung thư. Có một số xét nghiệm có thể tìm được từ 1 hoặc nhiều hơn các dấu ấn của bệnh ung thư. Để việc chẩn đoán chính xác nhất, tùy vào bệnh ung thư bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân làm 1 hoặc nhiều hơn 1 xét nghiệm. Hiện nay có rất nhiều xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những xét nghiệm được sử dụng phổ biến và hiệu quả nhất.

Xét nghiệm máu có phát hiện được bệnh ung thư hay không? Xét nghiệm tầm soát ung thư là gì?
Theo như BS. Ths Nguyễn Duy Tùng – Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết:
“Quy trình tầm soát ung thư cần kết hợp giữa thăm khám lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết (nếu có tổn thương có nguy cơ). Không thực hiện tầm soát ung thư chỉ bằng xét nghiệm máu.”
Quy trình tầm soát thường sẽ được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Khám lâm sàng
Đây là bước cơ bản trong tầm soát ung thư. Bác sĩ sẽ hỏi về các yếu tố nguy cơ cũng như tiền sử bệnh của bản thân và gia đình, đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, cũng như hỏi về các triệu chứng bất thường của cơ thể nếu có (ví dụ: bạn bị đau ở đâu? Có triệu chứng nào bất thường không?…). Những thông tin này là các căn cứ để bác sĩ đưa ra những phương thức tầm soát phù hợp.
Bước 2: Thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng cơ bản
Sau khi đã khám lâm sàng, bạn sẽ được sắp xếp làm một số kiểm tra cận lâm sàng cơ bản như xét nghiệm máu, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm phân…
Bước 3: Chẩn đoán hình ảnh
Ngoài các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể chỉ định thăm dò bằng hình ảnh học với các phương thức chẩn đoán hình ảnh như nội soi, siêu âm, chụp XQ tuyến vú, chụp CT cắt lớp phổi liều thấp, chụp cộng hưởng từ…Thông qua kết quả chẩn đoán hình ảnh, phân độ nguy cơ ung thư của các tổn thương theo các thang điểm quốc tế cho từng cơ quan (Ví dụ phổi là thang điểm LUNGRADS (1), tuyến giáp là TIRADS, tuyến vú là BIRADS (2)…) bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết phù hợp để có kết quả giải phẫu bệnh chính xác nhất, giúp phát hiện sớm bệnh lý ung thư.
Một số phương pháp tầm soát ung thư thường được áp dụng
– Phương pháp xét nghiệm máu tìm ra các dấu ấn khối u ung thư: Tuy nhiên, nếu chỉ bằng xét nghiệm máu thì chưa thể đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác nhất. Các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng, chỉ số xét nghiệm máu và một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khác chẳng hạn như xét nghiệm nước tiểu, nội soi, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ,… mới có thể đưa ra được kết luận cuối cùng.

– Sinh thiết: Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ lấy mẫu mô và tế bào để thực hiện phân tích, tìm kiếm tế bào ung thư và đồng thời đánh giá được mức độ, giai đoạn bệnh. Sinh thiết có thể được thực hiện riêng biệt hoặc có thể thực hiện trong quá trình phẫu thuật và nội soi. Kết quả sinh thiết có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán bệnh nhân có mắc ung thư hay không.
Một số xét nghiệm tầm soát ung thư đối với từng loại bệnh cụ thể
Đối với từng loại ung thư, các bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư khác nhau, dưới đây là một số ví dụ cụ thể:
Đây được coi là bệnh ung thư rất thường gặp ở nữ giới. Tuy nhiên, ung thư vú cũng nằm trong nhóm các bệnh ung thư có khả năng chữa khỏi rất cao nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Các phương pháp tầm soát ung thư vú bao gồm:
+ Khám lâm sàng tuyến vú để phát hiện sớm các khối u ở vú, bao gồm cả phần đuôi tuyến vú gần nách.
+ Chụp nhũ ảnh: Bằng phương pháp này, các bác sĩ có thể phát hiện được những điểm vôi hóa nhỏ nhất tại vú và tầm soát ung thư vú rất hiệu quả. Theo các chuyên gia, nữ giới ở độ tuổi từ 40 trở lên, hãy chụp nhũ ảnh 1 đến 2 năm/ lần.

+ Siêu âm tuyến vú: Trong quá trình siêu âm, các bác sĩ sẽ có thể nhận biết được tổn thương dạng nang vú, rất hữu ích với các trường hợp có cấu trúc mô vú đặc. Hơn nữa, đối với phương pháp này, bệnh nhân có thể hạn chế được nguy cơ nhiễm tia X, phù hợp với bệnh nhân đang mang thai và người trẻ tuổi.
- Ung thư đại trực tràng:
Một số phương pháp giúp nhận biết sớm ung thư đại tràng có thể kể đến như sau:
+ Nội soi đại tràng, chụp CT đại tràng,…
+ Xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân hay thực hiện xét nghiệm hóa miễn dịch phân, xét nghiệm DNA trong phân,…
- Ung thư cổ tử cung
Để nhận biết sớm bệnh ung thư cổ tử cung, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm sau:
+ Xét nghiệm Thinprep Pap để phát hiện tế bào bất thường.
+ Nội soi tử cung.
+ Sinh thiết.
- Ung thư phổi
Đây là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở cả nam giới và nữ giới. Đáng lo ngại hơn khi ung thư phổi có diễn biến nhanh và dễ gây tử vong. Do đó việc xét nghiệm tầm soát ung thư lại càng trở nên cần thiết hơn.

Phương pháp sàng lọc ung thư phổi phổ biến nhất hiện nay là chụp X-quang phổi, đặc biệt cần thiết với những người từ 55 tuổi trở lên, hay những người có yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như người nghiện thuốc lá, người sống trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất độc hại,… Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể được chỉ định chụp cắt lớp vi tính tia xạ thấp để hỗ trợ công tác chẩn đoán bệnh.
- Ung thư tuyến tiền liệt
Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt sẽ có cơ hội chữa khỏi bệnh rất cao. Hiện nay, phương pháp chẩn đoán bệnh thường là kiểm tra tuyến tiền liệt bằng tay, siêu âm qua trực tràng và có thể áp dụng chụp cộng hưởng từ để hiểu rõ về hình ảnh và tính chất của khối u.
Sự cần thiết của việc xét nghiệm tầm soát ung thư
Sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư. Nếu có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và tiết kiệm về chi phí. Ngược lại, khi phát hiện ở giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn kém.
Hiện nay, các kỹ thuật xét nghiệm tầm soát ung thư tại Việt Nam ngày càng phát triển hơn. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ. Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, hãy đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Khi nào nên tiến hành xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư?
Các xét nghiệm ung thư được thư được thực hiện trong các trường hợp:
- Nghi ngờ mắc bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư vú…
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư
- Có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư như trên 50 tuổi, hút thuốc lá, nghiện rượu hoặc làm việc trong môi trường độc hại…
- Đang điều trị bệnh ung thư và muốn theo dõi tình trạng bệnh và khả năng tái phát bệnh.
- Trong nhiều trường hợp, các dấu ấn ung thư cũng có thể tăng cao ở những người mắc bệnh lành tính như xơ gan, viêm gan… nên ngoài việc làm xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư, người bệnh cần phải được Bác sĩ thăm khám và kết hợp thêm với các biện pháp chẩn đoán khác.
Các loại xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư (tumor markers: TM) phổ biến hiện nay
1. Xét nghiệm CEA
Xét nghiệm CEA tầm soát ung thư là một thành phần của màng nhầy đại trực tràng.
Tăng trong các ung thư đường tiêu hoá như: thực quản, dạ dày, gan, tụy, đại trực tràng, vú, buồng trứng, cổ tử cung, tuyến giáp. Có thể tăng không nhiều trong polyp đại tràng, viêm ruột non, viêm tuỵ, suy thận mạn.
2. Xét nghiệm AFP
Xét nghiệm AFP huyết tương tăng trong ung thư tế bào gan nguyên phát, ung thư tế bào mầm (tinh hoàn). Giá trị chính của xét nghiệm AFP tầm soát ung thư là theo dõi tiến trình bệnh và hiệu quả điều trị ung thư tế bào gan nguyên phát, ung thư tinh hoàn sau điều trị phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị liệu.
3. Xét nghiệm PSA
Xét nghiệm PSA huyết tương tăng trong ung thư tuyến tiền liệt; có thể tăng trong u phì đại, viêm tuyến tiền liệt. PSA có giá trị trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, thường được sử dụng kết hợp với chụp trực tràng, siêu âm và sinh thiết (biopsy) ở những đàn ông trên 50 tuổi.
4. Xét nghiệm CA 125
Xét nghiệm CA 125 có vai trò chủ yếu trong chẩn đoán ung thư buồng trứng, đánh giá sự thành công của điều trị và theo dõi tiến trình của bệnh. Có thể tăng trong các bệnh lý thanh dịch như cổ trướng, viêm màng tim, viêm màng phổi, viêm màng bụng…
5. Xét nghiệm CA 15-3
Xét nghiệm CA 15-3 huyết tương tăng trong ung thư vú. CA 15-3 là một marker hữu ích để theo dõi tiến trình bệnh ở bệnh nhân ung thư vú di căn. Xét nghiệm này có độ nhạy thấp khi ung thư vú chưa có di căn. Có thể tăng trong u vú lành tính, viêm gan, viêm tụy.
6. Xét nghiệm CA 72-4
Xét nghiệm CA 72-4 huyết tương tăng trong ung thư dạ dày, được sử dụng để theo dõi và hiệu quả điều trị ung thư dạ dày. Có thể tăng trong xơ gan, viêm tuỵ, viêm phổi, thấp khớp.
7. Xét nghiệm CA 19-9
Vai trò chủ yếu của xét nghiệm CA 19-9 là phát hiện sớm sự tái phát và theo dõi hiệu quả điều trị các ung thư đường tiêu hoá như ung thư gan (thể cholangio), đường mật, dạ dày, tuỵ và đại trực tràng.

8. Xét nghiệm CT (Calcitonin) hoặc hCT (Human Calcitonin)
Xét nghiệm CT là một hormon peptid được bài tiết bởi tế bào parafollicular C của tuyến giáp. CT đặc hiệu cho chẩn đoán và theo dõi ung thư vùng tủy tuyến giáp (C-cell carcinoma).
9. Xét nghiệm Anti – TG (Thyroglobulin)
Xét nghiệm Anti- TG huyết tương tăng trong ung thư tuyến giáp, có thể tăng trong u lành tuyến giáp.
10. Xét nghiệm β2-M (β2-Microglobulin)
Xét nghiệm β2-M huyết tương tăng trong ung thư hệ lympho như: u lympho (lymphoma) hoặc đa u tuỷ xương (multiple myeloma); u lympho Hodgkin (Hodgkin lymphoma), u lympho không Hodgkin (Non-Hodgkin lymphoma); β2-M huyết tương cũng tăng trong nhiễm khuẩn, một số bệnh miễn dịch nhất định.
11. Xét nghiệm β-hCG
Xét nghiệm β-hCG được sử dụng để chẩn đoán, theo dõi hiệu quả điều trị u tế bào mầm nhau thai và tinh hoàn, cũng được sử dụng chẩn đoán u tế bào mầm ngoài sinh dục.
12. Xét nghiệm SCC (SCCA)
Xét nghiệm SCC không phù hợp cho mục đích tầm soát ung thư tế bào vảy vì độ nhạy và độ đặc hiệu thấp. Tuy nhiên, SCC có thể được sử dụng để theo dõi tiến trình bệnh và đánh giá đáp ứng điều trị ung thư tế bào vảy (ung thư cổ tử cung, thực quản) nguyên phát và tái phát.
13. Xét nghiệm CYFRA 21-1
Xét nghiệm Cyfra 21-1 dùng để định hướng chẩn đoán ung thư phổi và các bệnh phổi lành tính, cũng như giữa ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ, giữa ung thư phổi nguyên phát và thứ phát.
Tuy nhiên, định lượng Cyfra 21-1 trong máu không có giá trị tuyệt đối trong chẩn đoán ung thư phổi và các bệnh lý khác. Nhiều trường hợp người mắc bệnh ung thư nhưng chỉ số này lại không tăng. Vì thế ngoài làm xét nghiệm Cyfra 21-1, người bệnh cần siêu âm, chụp X-quang, chụp CT… để xác định cụ thể tình trạng và mức độ của bệnh.

Các câu hỏi thường gặp về xét nghiệm tầm soát ung thư
Khi nào tiến hành xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư?
Xét nghiệm dấu ấn ung thư không thể khẳng định chính xác bản chất ung thư, thường được chỉ định thực hiện khi bệnh nhân có tổn thương nghi ngờ bệnh ung thư, hoặc bệnh nhân ung thư đang được điều trị để đánh giá hiệu quả của điều trị.
Xét nghiệm tầm soát ung thư có cần thiết không?
Một số marker ung thư trong máu có độ nhạy cao trong một số bệnh lý ung thư như AFP trong chẩn đoán ung thư gan hay PSA trong ung thư tuyến tiền liệt (ở nam) là cần thiết khi thực hiện tầm soát ung thư.
Tôi có yếu tố di truyền mắc ung thư, liệu có cần xét nghiệm tầm soát ung thư thường xuyên hơn không?
Khi người bệnh đã xác định có những loại đột biến gen và tiền sử gia đình, thì nguy cơ mắc ung thư của người mang gen bệnh có thể tăng lên ở các mức độ khác nhau. Ví dụ đột biến gen BRCA1 có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú của một người phụ nữ lên đến 87% ở tuổi trên 80 (nguy cơ trung bình của quần thể khoảng 12-13%). Gen APC đột biến có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng của một cá thể lên 70-100% ở độ tuổi 70-80 tuổi. Tuy nhiên, không phải có mang gen đột biến là chắc chắn 100% bị ung thư.
Người bệnh có thể thăm khám tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm những tổn thương có nguy cơ, xử trí sớm tránh để lại các hậu quả nghiệm trọng.Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, tầm soát ung thư bao gồm 3 bước cơ bản: Khám lâm sàng, thực hiện chẩn đoán hình ảnh các bộ phận, xét nghiệm. Không thực hiện tầm soát ung thư chỉ bằng xét nghiệm máu.
Có cần phải làm xét nghiệm tầm soát ung thư nếu tôi không có triệu chứng không?
Tầm soát ung thư ở người chưa có biểu hiện bệnh lý, để truy tìm nguy cơ ung thư, phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm ngay từ khi chưa có triệu chứng, tăng khả năng điều trị khỏi bệnh và giúp cải thiện tỷ lệ sống sau 5 năm. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, tầm soát ung thư bao gồm 3 bước cơ bản: Khám lâm sàng, thực hiện chẩn đoán hình ảnh các bộ phận, xét nghiệm. Không thực hiện tầm soát ung thư chỉ bằng xét nghiệm máu.
Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đến từ các bệnh viện tuyến Trung Ương Bệnh viện Đa khoa Hà Nội có thể khám và kiểm tra hầu hết các loại sinh thiết, tầm soát ung thư ở hầu hết các vị trí trên cơ thể. Hãy bảo vệ sức khỏe, hãy thường xuyên thăm khám, kiểm tra để phát hiện những biểu hiện lạ kịp thời.