Ung Thư Cổ Tử Cung Giai Đoạn Đầu: Dấu Hiệu và Cách Điều Trị

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là ở những người trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua nếu không được theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các dấu hiệu cảnh báo, phương pháp chẩn đoán, điều trị, và những câu hỏi phổ biến về căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là gì?
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu (giai đoạn 1) là giai đoạn khối u còn giới hạn trong cổ tử cung và chưa lan rộng sang các cơ quan lân cận. Ở giai đoạn này, ung thư chỉ giới hạn ở cổ tử cung và được chia ra làm 2 mức độ:
- Giai đoạn 1A: Ung thư được phát hiện qua kính hiển vi và có kích thước nhỏ, khoảng dưới 5mm sâu và 7mm rộng).
- Giai đoạn 1B: Lúc này khối u được nhìn thấy rõ ràng hơn và có kích thước lớn hơn ung thư giai đoạn 1A nhưng vẫn chỉ giới hạn trong cổ tử cung, với độ sâu có thể lên tới 4cm
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là gì?
“Phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu là cơ hội tốt nhất để điều trị thành công và duy trì chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.” (1)
Tiến sĩ Anne Rositch, chuyên gia về ung thư phụ khoa tại Đại học Johns Hopkins, nhấn mạnh
Dấu hiệu, triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung có thể không biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn nên đi khám ngay lập tức:
1. Chảy máu âm đạo bất thường:
Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Chảy máu có thể xảy ra giữa các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau thời gian mãn kinh. Theo tổ chức y tế thế giới – WHO, đây là một trong những dấu hiệu sớm nhất và dễ nhận biết nhất ở người phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung.
2. Dịch tiết âm đạo bất thường:
Mọi người có thể dễ dàng nhận thấy sự bất thường của dịch âm đạo như có mùi hoặc màu sắc khác thường. Dịch âm đạo có thể có màu vàng, hồng hoặc lẫn máu. Điều này có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm nhưng cũng có thể là triệu chứng sớm của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu.
3. Đau vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục
Đau kéo dài hoặc cảm giác khó chịu ở vùng chậu, đau khi quan hệ tình dục là một trong những triệu chứng phổ biến của ung thư cổ tử cung. Các cơn đau xuất hiện khi khối u phát triển, xâm lấn hoặc gây viêm ở các mô lân cận.
4. Chu kỳ kinh nguyệt bất thường
Một số người có thể gặp tình trạng chu kỳ kinh nguyệt thất thường, kéo dài hoặc chảy máu nhiều hơn bình thường.
5. Bị đau lưng hoặc đau chân
Mặc dù ít phổ biến hơn, một số phụ nữ có thể trải qua đau lưng hoặc chân nếu khối u phát triển gây áp lực lên các dây thần kinh hoặc cơ quan gần đó.

BS.CKI Nguyễn Lệ Quyên – Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Những chị em phụ nữ có những triệu chứng rõ ràng như đau bụng, ra máu âm đạo đặc biệt là ra máu âm đạo sau khi giao hợp thì cái triệu chứng này thông thường là rơi vào trường hợp ung thư nặng rồi” (2)
Tại sao các triệu chứng ung thư cổ tử cung thường không rõ ràng?
Ung thư cổ tử cung phát triển từ từ và không gây đau đớn ở giai đoạn đầu, khiến nhiều phụ nữ bỏ qua. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:
– Phát triển chậm và âm thầm:
Ung thư cổ tử cung thường tiến triển rất từ từ, bắt đầu từ các tổn thương tiền ung thư trong lớp niêm mạc cổ tử cung. Những tổn thương này thường mất nhiều năm mới tiến triển thành ung thư, vì vậy nên các dấu hiệu thường không rõ ràng hoặc rất nhẹ trong giai đoạn đầu.
– Triệu chứng ung thư giai đoạn đầu thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác:
Chảy máu bất thường, đau vùng chậu hoặc dịch âm đạo bất thường có thể xuất hiện do các bệnh phụ khoa khác như viêm nhiễm phụ khoa, viêm cổ tử cung, u xơ tử cung hoặc sự thay đổi hormone. Do đó nhiều người vẫn xem nhẹ những triệu chứng này vì nó không quá đặc trưng.
– Do cấu trúc của cổ tử cung:
Cổ tử cung nằm sâu trong vùng xương chậu và không dễ dàng quan sát hay cảm nhận được sự bất thường. Các khối u trong giai đoạn đầu rất nhỏ và chưa ảnh hưởng đến các dây thần kinh hoặc các mô xung quanh nên cơ thể cũng chưa có những phản ứng mạnh mẽ.
Vì những lý do này, các tổ chức y tế khuyến khích phụ nữ nên thực hiện khám định kỳ và xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, đặc biệt là Pap smear và xét nghiệm HPV, để phát hiện sớm ngay cả khi không có triệu chứng.
Chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Chẩn đoán sớm giúp phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung trước khi nó tiến triển. Một số phương pháp phổ biến bao gồm:
- Xét nghiệm Pap (Pap smear): Đây là xét nghiệm giúp phát hiện tế bào bất thường trong cổ tử cung.
Theo tiến sĩ Laurie Elit từ Đại học McMaster, “Xét nghiệm Pap là phương pháp hiệu quả để phát hiện tiền ung thư và ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu trước khi triệu chứng xuất hiện.”
- Xét nghiệm HPV: Virus HPV, đặc biệt là chủng HPV-16 và HPV-18, là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm HPV giúp phát hiện virus này trong cơ thể.
- Sinh thiết cổ tử cung: Nếu phát hiện bất thường qua xét nghiệm Pap, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để kiểm tra kỹ hơn.
- Nội soi cổ tử cung (Colposcopy): Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát rõ hơn cổ tử cung và thực hiện sinh thiết tại các vị trí nghi ngờ.

Các phương pháp chẩn đoán giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng ung thư và đề xuất liệu pháp điều trị phù hợp, đặc biệt là ở giai đoạn đầu, khi tế bào ung thư chưa lan rộng.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 có chữa khỏi không?
Tin vui là ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể điều trị và chữa khỏi cao. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là hơn 90%.(3) Ở giai đoạn này, ung thư vẫn còn giới hạn trong cổ tử cung và chưa lan ra các cơ quan khác, cho phép các phương pháp điều trị như phẫu thuật và xạ trị đạt hiệu quả cao.
Bác sĩ Robert De Bernardo, chuyên gia ung thư phụ khoa, nhấn mạnh rằng: “Phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu mang lại nhiều hy vọng, vì các phương pháp điều trị hiện đại có thể giúp kiểm soát bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.”
Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và mức độ lan rộng của tế bào ung thư. Một số phương pháp phổ biến gồm:
1. Phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn chúng phát triển. Đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn 1, xạ trị có thể kết hợp với phẫu thuật hoặc được sử dụng riêng biệt.
Theo bác sĩ Richard Penson từ Bệnh viện Massachusetts,
“Xạ trị là một phương pháp an toàn và hiệu quả, có thể làm giảm kích thước khối u và kiểm soát ung thư.”
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp triệt để nhằm loại bỏ tế bào ung thư. Các loại phẫu thuật bao gồm:
- Khoét chóp cổ tử cung: Loại bỏ một phần cổ tử cung chứa tế bào ung thư. Phẫu thuật này thường áp dụng cho những phụ nữ muốn duy trì khả năng sinh sản.
- Cắt bỏ tử cung: Phương pháp này loại bỏ toàn bộ tử cung và có thể kết hợp với xạ trị để ngăn ung thư lan rộng.
3. Điều trị hóa chất
Hóa trị có thể được sử dụng kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả điều trị. Thuốc hóa trị sẽ giúp làm cho tế bào ung thư nhạy cảm hơn với bức xạ và hỗ trợ tiêu diệt chúng hiệu quả hơn.
Lời khuyên từ chuyên gia và cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung
- Tiêm vắc-xin HPV: Vắc-xin HPV có thể ngăn ngừa đến 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung do virus HPV. Đây là cách hiệu quả để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Định kỳ thực hiện xét nghiệm Pap và HPV giúp phát hiện sớm tế bào bất thường ở cổ tử cung. Đây là chìa khóa để phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Hạn chế sử dụng thuốc lá, ăn uống khoa học, và thường xuyên tập thể dục giúp giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
- Quan hệ tình dục an toàn: Việc sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ có thể giảm nguy cơ nhiễm HPV, từ đó giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể được điều trị thành công với tỷ lệ sống sót cao nếu được phát hiện kịp thời. Việc chú ý đến các dấu hiệu bất thường và thực hiện khám sức khỏe định kỳ là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe.
Chuyên khoa Phụ sản và Chuyên khoa Ung bướu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội luôn được đầu tư cả về chuyên môn lẫn cơ sở vật chất. Qua các gói khám tầm soát ung thư, bệnh viện có thể chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung qua các phương pháp như xét nghiệm HPV, Pap smear, và các kỹ thuật sinh thiết tiên tiến.
Ngoài ra, bệnh viện còn cung cấp các phương pháp điều trị chuyên sâu cho ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và giai đoạn tiến triển, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, và hóa trị, nhằm mang đến hiệu quả điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân. Nếu như còn có thắc mắc về căn bệnh Ung thư cổ tử cung, vui lòng gọi đến tổng đài 1900 234529 để được giải đáp và đặt lịch khám với chuyên gia.
Câu hỏi thường gặp
- Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 sống được bao lâu?
Theo số liệu từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là khoảng 90%. Điều này nhấn mạnh rằng nhiều bệnh nhân có thể sống lâu dài và ổn định sau khi điều trị nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm, khi khả năng điều trị thành công cao hơn và ít di căn hơn.
- Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?
Ung thư cổ tử cung là một bệnh nguy hiểm vì có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, cơ hội điều trị thành công rất cao. Tiến sĩ Monica Bertagnolli, chủ tịch Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, chia sẻ: “Sự nguy hiểm của ung thư cổ tử cung phụ thuộc phần lớn vào thời điểm phát hiện và hiệu quả điều trị.”
- Xạ trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 có đau không?
Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân thường không cảm thấy đau, nhưng có thể gặp phải tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, và khó chịu vùng chậu. Một số bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ sau xạ trị như khô âm đạo hoặc viêm bàng quang, nhưng những triệu chứng này thường giảm dần sau khi kết thúc điều trị.
NGUỒN THAM KHẢO:
- “Disparities in Cervical Cancer Mortality Rates Highlight Need for Specialized Treatment”, https://www.onclive.com/view/disparities-in-cervical-cancer-mortality-rates-highlight-need-for-specialized-treatment (12/11/2024)
- BS.CKI Nguyễn Lệ Quyên, “Ung thư cổ tử cung dấu hiệu nhận biết sớm nhất”, https://www.youtube.com/watch?v=Jlxiz720ipA (12/11/2024)
- “Cancer Stat Facts: Cervical Cancer”, https://seer.cancer.gov/statfacts/html/cervix.html , (12/11/2024)