Skip to main content

Xét nghiệm tiền hôn nhân gồm những gì?

0
Cập nhật lần cuối: 07/10/2020

Đây là các thông tin hữu ích giúp bạn xác định được tầm quan trọng của các loại xét nghiệm này.

Tiền hôn nhân là giai đoạn từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến khi kết hôn, bao gồm cả trẻ vị thành niên khi đã bắt đầu có khả năng sinh sản, cho đến những người lớn tuổi hơn (thậm chí 30 – 40 tuổi) mà chưa từng kết hôn.

Xét nghiệm tiền hôn nhân còn được gọi là khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp xác định tình trạng sức khỏe tổng quát, đặc biệt là những căn bệnh liên quan đến sinh sản ở cả nam và nữ. 

Từ đó giúp các cặp đôi kiểm tra tổng quát sức khỏe trước khi cưới, tầm soát các bệnh lý di truyền, bệnh truyền nhiễm và các nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ chồng và con cái sau này.

Ảnh 1: Ngày càng nhiều cặp vợ chồng thực hiện xét nghiệm tiền hôn nhân.

Vì sao cần xét nghiệm tiền hôn nhân? 

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp những bạn trẻ chuẩn bị kết hôn có thể bước vào đời sống vợ chồng một cách tự tin với lối sống tình dục an toàn, sẵn sàng chào đón một em bé khỏe mạnh. 

Đối với những người vốn chưa có kinh nghiệm trong đời dục trước đó, khám sức khỏe tiền hôn nhân và nhận được sự tư vấn của bác sĩ sẽ giúp bạn trẻ chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng, tránh được những rắc rối trong đời sống tình dục, những bệnh tật mới xuất hiện liên quan đến đường sinh sản hoặc xuất hiện những hậu quả của các bệnh tật có từ trước ảnh hưởng đến sự sinh sản, thai nghén. 

Với những cặp đôi đang muốn có con, khám tiền hôn nhân là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở và đẻ ra những đứa con khỏe mạnh. Khám tiền hôn nhân giúp phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau. Mẹ tương lai nếu mong muốn có con sớm nhất cũng cần hiểu rõ và tiêm vắc xin cũng như bổ sung khoáng chất, chế độ dinh dưỡng sao cho hợp lý để chuẩn bị điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn. Ngoài ra, điều này cũng một phần giúp phụ nữ kiểm soát sự mang thai, thời điểm có con và số lượng con cái một cách tốt nhất.

Ảnh 2: Xét nghiệm tiền hôn nhân sẽ giúp vợ chồng xác định rõ sức khỏe sinh sản của cả 2 phía.

Các xét nghiệm tiền hôn nhân cơ bản

Các xét nghiệm tiền hôn nhân đang được thực hiện phổ biến hiện nay là:

–  Siêu âm tổng quát các cơ quan (áp dụng chung cho cả nam và nữ): thận, gan, mật, tụy, bàng quang, niệu quản. 

– Siêu âm tuyến tiền liệt và xét nghiệm tinh dịch đồ ở nam giới để đánh giá chất lượng tinh trùng, biết được khả năng sinh sản của họ. Siêu âm tử cung, phần phụ đối với nữ giới. Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ từ máu nhằm xác định đột biến về số lượng và cấu trúc nhiễm sắc thể. Đây là lựa chọn đặc biệt cần thiết và hiệu quả đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn, gia đình có người bị dị tật hoặc có bất thường về sinh sản, sảy thai không rõ nguyên nhân.

 –  Xét nghiệm máu giúp để chẩn đoán bệnh có thể lây từ mẹ sang con, tiên lượng các bất thường có nguy cơ gây hại cho thai nhi. Đây cũng là cách phát hiện bệnh có nguy cơ lây truyền qua đường tình dục. 

– Tổng phân tích nước tiểu, phân tích tế bào máu ngoại vi. 

– Kiểm tra hormone sinh dục: đối với nữ giới là LH, FSH, estrogen, progesterone; đối với nam giới là testosterone. 

– Xét nghiệm giang mai, HIV. 

– Một số xét nghiệm tiền hôn nhân khác cũng có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện khi cần như: mỡ máu, tiểu đường huyết,…

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận