Ung thư tủy xương – ai thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh
Tủy xương chứa các tế bào gốc phát triển thành nhiều loại tế bào máu. Việc ung thư tủy xương trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tạo ra các tế bào máu trong cơ thể người. Từ đó gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Ung thư tủy xương là một dạng ung thư bắt đầu từ tủy, nằm bên trong xương. Công việc chính của tủy xương là tạo ra các tế bào máu gồm tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Ung thư tủy xương xảy ra khi các tế bào này tăng sinh quá nhanh.
Tùy vào loại ung thư, mức độ xâm lấn và vị trí của ung thư mà cơ thể bệnh nhân sẽ phát ra các triệu chứng khác nhau. Tùy vào loại ung thư mà các yếu tố nguy cơ tương ứng như sau:
- Ung thư đa u tủy
Ảnh: Ung thư tủy xương là căn bệnh nguy hiểm.
Loại ung thư này xảy ra trong các tế bào plasma. Đây là loại tế bào đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch và tạo ra các kháng thể mà cơ thể cần để chống lại vi khuẩn lạ. Ung thư đa u tủy có nguy cơ mắc cao với những người:
- Trên 65 tuổi
– Đàn ông có nguy cơ cao hơn phụ nữ.
– Tiền sử gia đình có bệnh u tủy
– Làm việc trong các ngành công nghiệp dầu khí
– Béo phì hoặc thừa cân
– Tiền sử mắc các bệnh tế bào plasma
- Bệnh bạch cầu
Leukemias là ung thư của các tế bào bạch cầu. Đôi khi, các loại ung thư bắt đầu trong các loại tế bào máu khác và sau đó lan rộng hoặc di căn vào tủy xương. Bệnh bạch cầu cấp tính là bệnh ung thư phát triển nhanh, trong khi bệnh bạch cầu mãn tính phát triển chậm.
Có một số loại bệnh bạch cầu khác nhau, bao gồm:
- Bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính (ALL): Bệnh này thường gặp ở trẻ em. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: hội chứng Down, thiếu máu Fanconi hoặc các hội chứng di truyền khác, người mà có anh chị em ruột mắc bệnh bạch cầu, đặc biệt cặp song sinh cùng trứng , người tiếp xúc với bức xạ liều cao (có thể xảy ra do điều trị ung thư trước đó), người tiếp xúc với các loại thuốc hóa trị và các hóa chất khác, như benzen, người sử dụng liệu pháp ức chế miễn dịch (như ghép tạng người)
- Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML): bệnh này phổ biến hơn ở người lớn tuổi, nam giới, hút thuốc, người tiếp xúc lâu dài với một số loại hóa chất như benzene, người điều trị bằng các thuốc trị bệnh ung thư khác, người tiếp xúc bức xạ, ngay cả với liều thấp như chụp X-quang hoặc chụp CT, người gặp một số vấn đề về máu hay các bệnh bẩm sinh bao gồm hội chứng Down, trong gia đình có người mắc bệnh này.
- Bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính (CLL): Bệnh bạch cầu phát triển chậm này bắt nguồn từ các tế bào lympho phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Bệnh bắt đầu trong tủy xương và lan đến máu và các mô cơ thể khác. Bệnh có nguy cơ cao với người tiếp xúc với bức xạ liều cao (như từ một vụ tai nạn lò phản ứng hạt nhân), người lớn tuổi, nam giới.
- Ung thư hạch
Ở những người bị ung thư hạch, ung thư phát triển trong các tế bào lympho, các tế bào này lưu thông trong máu và mô bạch huyết sau khi sản xuất từ tủy xương. Ung thư hạch có thể xảy ra ở nhiều nơi trong cơ thể bao gồm cả tủy xương.
Ảnh: Ung thư hạch có thể xảy ra ở nhiều nơi trong cơ thể.
Dù nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư hạch bạch huyết chưa được xác định rõ ràng, các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh được xác định là: tuổi già, người thừa cân, béo phì, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, những người có hệ miễn dịch suy yếu có thể do cấy ghép nội tạng, bẩm sinh hoặc nhiễm virus HIV, người mắc chứng bệnh hệ thống miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, lupus hay celiac. Những người bị nhiễm các loại virus như Epstein-Barr, viên gan C, HHV8 cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Ngoài ra, các yếu tố như tiền sử gia đình, người thường xuyên tiếp xúc với benzen, các chất diệt côn trùng, cỏ dại cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch cho người tiếp xúc.
Bệnh ung thư tủy xương là căn bệnh nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng như nhiễm trùng nặng hay suy thận, ảnh hưởng xấu đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm, bệnh nhân nhiều khả năng sẽ đáp ứng tốt với quá trình điều trị, có thể không tái phát sau nhiều năm điều trị dứt điểm.