Ung thư phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ung thư phổi cùng với ung thư gan là một trong 2 loại ung thư phổ biến và nguy hiểm ở Việt Nam. Dưới đây là một số thông tin cơ bản mọi người nên biết về căn bệnh nguy hiểm này.
Ung thư phổi được cho là bắt đầu tại các vị trí tiền ung thư trong phổi. Theo đó, các tế bào phổi có những thay đổi gene và phát triển nhanh ở giai đoạn này.
Trong giai đoạn tiền ung thư, những thay đổi này khó phát hiện bởi không hình thành khối u, không có hình ảnh trên phim chụp X quang cũng như không có triệu chứng. Dần dần, các tế bào bất thường đó phát triển và hình thành khối u. Sau đó, các tế bào này tiếp tục di chuyển khỏi khối u ban đầu và lan tràn, di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.
Chú thích ảnh: Ung thư phổi là căn bệnh phổ biển ở Việt Nam
Ung thư phổi thường là một căn bệnh đe dọa tính mạng bởi vì nó có xu hướng di căn ngay cả trước khi nó có thể được phát hiện trên phim X-quang.
Ung thư phổi được xác định bởi các nguyên nhân sau:
- Hút thuốc lá và hút thuốc thụ động: theo thống kê, có tới 90% bệnh nhân ung thư phổi hút thuốc lá và 4% bệnh nhân hút thuốc lá thụ động mỗi ngày.
- Môi trường làm việc ô nhiễm: những người tiếp xúc với khói bụi hằng ngày hay những người làm việc trong môi trường luyện thép, niken, crom và khí than có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.
- Tiếp xúc với tia phóng xạ: Người làm việc trong các mỏ uranium, fluorspar và hematite có khả năng tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ mắc ung thư phổi cao do trong không khí ở khu vực này chứa khí radon.
- Di truyền Chưa được chứng minh nhưng có thể có yếu tố gia đình liên quan đến một số đột biến gen.
- Các bệnh ở phế quản phổi như: Sẹo cũ của các tổn thương phổi, lao phổi cũ:
- Tuổi: ung thư phổi phổ biến nhiều ở tuổi 40-60. •
Những triệu chứng ung thư phổi thường gặp gồm:
- Ho dai dẳng không khỏi.
- Cảm giác khó thở, thở ngắn, có đờm lẫn máu.
- Bị đau ngực.
- Sau một thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể bị gầy sút, mệt mỏi, khàn giọng, khó nuốt, thở khò khè, đau xương thậm chí bị tràn dịch màng phổi.
Chú thích ảnh: Hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư phổi
Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư phổi
Ung thư phổi có 2 loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15-20%) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (chiếm 80-85%).
Bệnh ung thư phổi có nhiều giai đoạn khác nhau. Với mỗi giai đoạn bệnh cần có phương pháp điều trị cụ thể.
- Phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối u: phương pháp này có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ, chưa bị di căn. Để có thể phẫu thuật, bệnh nhân cần có thể trạng cơ thể tốt. Phẫu thuật được chỉ định cho giai đoạn O, I, II, IIIA.
- Phương pháp điều trị bằng tia xạ: được áp dụng nhằm phá hủy khói u khi còn nhỏ và chưa có di căn hoặc làm hạn chế sự phát triển của khối u lớn. Phương pháp điều trị tia xạ có thể giúp kéo dài sự sống của bệnh nhân, rất ít khi chữa khỏi bệnh.
- Điều trị bằng hóa chất: có đến 80-90% bệnh nhân bị ung thư phổi giảm bệnh khi tế bào còn nhỏ và được sử dụng hóa chất để điều trị. Các trường hợp ở giai đoạn muộn, hóa chất chỉ có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài sự sống. Chỉ định cho giai đoạn IV, IIIB, IIIA, các trường hợp chống chỉ định hoặc bệnh nhân từ chỗi phẫu thuật, tia xạ. Giai đoạn IB, IIA cần được cân nhắc.
- Phương pháp điều trị hỗ trợ: được sử dụng cho những bệnh nhân ở giai đoạn cuối của bệnh. Phương pháp này giúp điều trị triệu chứng và giảm đau cho bệnh nhân.
- Liệu pháp miễn dịch tự thân: là liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách thu nhận các tế bào miễn dịch diệt tự nhiên (Natural Killer cells – NK) và tế bào T gây độc (cytotoxic T lymphocytes – CTLs) từ cơ thể người bệnh sau đó tăng sinh và hoạt hóa các tế bào này trong phòng thí nghiệm rồi truyền trở lại cơ thể người bệnh để các tế bào miễn dịch này sẽ tấn công các tế bào ung thư. Liệu pháp này giúp người bệnh ung thư củng cố hệ miễn dịch để kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, tăng khả năng nhận diện và tấn công tế bào ung thư, tăng hiệu quả điều trị khi áp dụng các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị…
Như vậy, ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm bởi nó có thể di căn khi khối u chưa hình thành. Do đó, ý thức phòng chống bệnh ung thư phổi là vô cùng quan trọng trong cuộc chiến phòng tránh căn bệnh này. Không hút thuốc lá là yếu tố quan trọng có thể cải thiện được. Bên cạnh đó, tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ cũng giúp cho việc phòng chống căn bệnh này.