Trầm cảm – Căn bệnh đáng sợ trong thời đại công nghệ
Bệnh trầm cảm là rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất mát. Bệnh được chia làm nhiều mức độ khác nhau, trong đó trầm cảm mức độ nhẹ có thể được nhận biết sớm để kịp thời cải thiện và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Bệnh trầm cảm là gì?
Bệnh trầm cảm (Depression), là bệnh rối loạn tâm trạng thường gặp. Người bệnh thường có tâm trạng buồn bã, có hoặc không kèm theo triệu chứng hay khóc. Không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây.
Trầm cảm ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ, hành xử của người bệnh, khiến cho người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, hay các vấn đề về thể chất và tinh thần.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt là trong giới trẻ.
Những dấu hiệu trầm cảm ít ai ngờ
Mọi người gặp phải trầm cảm theo nhiều cách khác nhau. Một vài người có thể có những triệu chứng kinh điển, như buồn bã và tuyệt vọng. Người khác có thể có các dấu hiệu mà quý vị không nghĩ là trầm cảm, như là mệt mỏi quá độ hoặc cáu bẳn. Loại và mức độ triệu chứng thay đổi theo cá nhân và có thể thay đổi theo thời gian. Cân nhắc những triệu chứng trầm cảm thường gặp này. Bạn đã trải qua bất cứ triệu chứng nào sau đây lâu hơn hai tuần chưa?
- Cảm thấy buồn, muốn khóc, trống rỗng, tuyệt vọng
- Thay đổi thói quen ăn uống – sụt cân và không muốn ăn hoặc thèm ăn kèm tăng cân
- Thay đổi giấc ngủ – ngủ quá nhiều hoặc không đủ
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, gặp khó khăn để có động lực làm việc gì
- Mất hứng thú với những người và/hoặc những hoạt động đã từng mang lại niềm vui cho bạn
- Cảm thấy chai sạn
- Dễ bị kích động hay nổi nóng
- Cảm thấy mình làm gì cũng không đủ tốt
- Tăng việc tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc chất gây nghiện
- Dành quá nhiều thời gian trên Internet
- Gặp khó khăn trong tập trung, suy nghĩ, hoặc lên kế hoạch – cứ như đầu bạn bị phủ sương mù
- Thờ ơ với sức khỏe thể chất và vẻ bề ngoài của bạn
- Nghĩ đến việc trốn chạy, hoặc đào thoát khỏi hoàn cảnh
- Nghĩ đến cái chết hoặc tự tử, có ý tưởng về cách kết thúc đời mình
- Những triệu chứng về thể chất liên tục không đáp ứng điều trị, như là đau đầu, rối loạn tiêu hóa, và đau cổ và lưng mạn tính
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm đôi khi rất đơn giản
Do thời tiết
Bệnh trầm cảm xuất hiện không phải theo mùa, nhưng nó thường nặng thêm vào mùa hè do ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết không thuận lợi như nóng bức, nhiều tia tử ngoại, độ ẩm không khí cao… Thời tiết nóng bức sẽ làm bệnh này tăng cao bởi cơ thể đang trì hoãn quá trình thích ứng với một mùa mới. Nguyên nhân có thể là do sự mất cân bằng giữa các chất hóa học trong não bộ và hormone melatonin.
Do thói quen không tốt
Thói quen hút thuốc lá được xác định có liên quan đến căn bệnh này. Người có khuynh hướng dễ bị trầm cảm thường có thói quen hút thuốc lá nhiều hơn người bình thường. Tuy nhiên, lượng nicotine trong khói thuốc có thể ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh trong não, làm tăng lượng dopamine và serotonin giống như cơ chế của các thuốc chống trầm cảm.
Các bệnh liên quan đến tuyến giáp
Khi tuyến giáp không tiết ra đủ hormone tuyến giáp thì dẫn tới suy giáp và một trong những triệu chứng của bệnh là tình trạng trầm cảm. Chức năng chính của hormone tuyến giáp là hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh và điều chỉnh nồng độ serotonin.
Thiếu ngủ
Thiếu ngủ thường dẫn đến trạng thái tâm lý cáu kỉnh, thiếu ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Một nghiên cứu năm 2007 chỉ ra rằng, khi những người khỏe mạnh bị thiếu ngủ, não của họ sẽ hoạt động nhiều hơn sau khi nhìn thấy những bức ảnh đau buồn so với những người được nghỉ ngơi đầy đủ.
Nghiện mạng xã hội
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng dành quá nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội có thể liên quan với bệnh trầm cảm, đặc biệt là ở thanh thiếu niên và trẻ nhỏ. Dành thời gian quá nhiều cho mạng xã hội khiến bạn khó khăn trong việc tương tác với mọi người trong thực tế, thiếu tình bạn và dẫn đến tình trạng có cái nhìn sai lệch về cuộc sống.
Nghiện phim
Vào năm 2009, một số người hâm mộ phim “Avatar” cảm thấy chán nản và thậm chí đã tự tử vì cảm thấy thế giới hư ảo trong phim không có thật. Phản ứng tương tự cũng xảy ra khi phần cuối cùng của bộ phim nổi tiếng Harry Potter đi đến hồi kết.
Nơi sinh sống
Kết quả nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Nature đã cho thấy vùng não điều chỉnh stress ở những người sống ở thành phố sẽ phải hoạt động nhiều hơn. Và căng thẳng với mức độ cao có thể sẽ dẫn đến các rối loạn về tâm lý. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người sống ở thành thị có nguy cơ rối loạn trí não cao hơn 39% so với những người sống ở vùng nông thôn.

Thường xuyên phải đưa ra sự lựa chọn
Trong cuộc sống, với một số người, khi có quá nhiều lựa chọn, họ sẽ muốn tối đa hóa lựa chọn của mình bằng cách xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng từng lựa chọn để tìm ra lựa chọn tốt nhất. Và những người này sẽ có nguy cơ bị trầm cảm vì quá cầu toàn.
Thiếu chất
Một nghiên cứu năm 2004 chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa việc ăn ít thực phẩm chứa Omega 3 và bệnh trầm cảm ở phụ nữ, song mối liên hệ này không quan sát được ở nam giới. Omega 3 có thể giúp điều chỉnh các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, nhờ đó có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm.
Mối quan hệ không tốt
Mối quan hệ tồi tệ nào cũng dễ là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, đặc biệt bất cứ ai không có mối quan hệ tốt với anh chị em ruột của mình trước độ tuổi 20 thì thời gian sau đó, họ thường có khả năng mắc phải trầm cảm trong cuộc sống hơn những người có quan hệ tốt với anh em ruột của mình.
Phản ứng phụ của một số loại thuốc
Trầm cảm là một phản ứng phụ của rất nhiều loại thuốc kê đơn. Ví dụ, tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị lo âu và mất ngủ, thuốc điều trị mãn kinh. Nên đọc kỹ nhãn thuốc và phản ứng phụ của thuốc khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, và nên nhớ luôn hỏi ý kiến bác sĩ về các nguy cơ của những thuốc này.
—————————————————————
? Website: benhvienhanoi.vn
? Fanpage: https://www.facebook.com/BenhvienHN/
? Hotline:024.62.555.333 – 0982 7575 08
? Email: cskh@benhvienhanoi.vn
? Địa chỉ: 29 Hàn Thuyên – Phạm Đình Hồ – Hai Bà Trưng – Hà Nội.