Tại sao bệnh nhân mắc tim mạch cần hạn chế ăn mặn?
Câu hỏi: Chào bác sĩ, tôi bị bệnh mạch vành giai đoạn đầu và được bác sĩ dặn hạn chế ăn mặn. Thế tôi cần ăn lượng muối bao nhiêu là phù hợp ạ?
Trả lời:
Muối là chất khoáng cần thiết đối với cơ thể, giúp kiểm soát cân bằng dịch, hoạt động dẫn truyền thần kinh và chức năng khối cơ. Tuy nhiên, lại có một sự thật rằng, muối và các thực phẩm giàu natri là kẻ thù số 1 của bệnh nhân mắc bệnh tim, có thể gây ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị bệnh và gây ra nhiều biến chứng như:
– Làm tăng trương lực thành mạch, co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn tới tăng huyết áp. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.
– Tăng nguy cơ giữ nước trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch, đặc biệt là các bệnh nhân đã bị suy tim.
Ngoài ra, nạp nhiều muối vào cơ thể còn ảnh hưởng rất nhiều đến những cơ quan khác như tăng đào thải canxi qua nước tiểu gây loãng xương, sỏi thận; tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày do lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá hủy; tăng gánh nặng cho thận gây suy thận…
Như vậy, chế độ ăn ít muối là giải pháp giúp bạn kiểm soát huyết áp, tránh sưng phù, cải thiện tình trạng khó thở.
Vậy ăn bao nhiêu là phù hợp? Lượng natri trong mỗi bữa ăn được khuyến cáo đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch là không quá 2.000mg, tốt nhất là dưới 1500mg. Đối với những bệnh nhân suy tim nặng, cần loại bỏ muối hoàn toàn khỏi thực đơn.
Quan trọng nhất, bạn nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ và thăm khám ngay nếu có các triệu chứng bất thường.