Tắc Vòi Trứng: Tất Tần Tật Thông Tin Cần Biết 2024

Tắc vòi trứng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở phụ nữ. Sự tắc nghẽn của ống dẫn trứng làm cản trở quá trình thụ tinh và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về bệnh lý này. Trong bài viết này sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về nguyên nhân, cách điều trị cũng như các vấn đề liên quan đến tắc ống dẫn trứng nhé!
Tắc vòi trứng là gì?
Tắc vòi trứng hay còn gọi là tắc ống dẫn trứng là tình trạng bị cản trở hoặc hẹp lại gây khó khăn cho trứng và tinh trùng di chuyển vào bên trong tử cung. Điều này làm giảm khả năng thụ tinh, dẫn đến vô sinh hoặc mang thai ngoài tử cung, rất nguy hiểm cho tính mạng người phụ nữ.
Thông thường, vòi trứng có chiều dài khoảng 10 – 12cm, nằm 2 bên tử cung, kích thước bằng đầu nhỏ của chiếc đũa, khi bị tắc dính thì chỉ mỏng như sợi dây cước. Vòi trứng đóng vai trò như “cầu nối” giữa buồng trứng và tử cung, nơi trứng gặp tinh trùng để thụ tinh. Theo thống kê, khoảng 40% phụ nữ bị vô sinh do các vấn đề liên quan đến vòi trứng, bao gồm tắc hoặc dính vòi trứng. (1)

Khi vòi trứng bị tắc, các trường hợp mang thai tự nhiên có thể có nguy cơ chửa ngoài tử cung. Nếu không được xử lý kịp thời có thể khiến vòi trứng bị vỡ, gây chảy máu ồ ạt, ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ.
Khoảng 70% các trường hợp mang thai ngoài tử cung liên quan đến tắc hoặc dính vòi trứng, nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý như viêm nhiễm vùng chậu, đặc biệt là nhiễm trùng qua đường tình dục như Chlamydia hoặc lậu. Những tình trạng này gây tổn thương lớp niêm mạc và kết dính các nếp niêm mạc trong vòi trứng, cản trở trứng thụ tinh di chuyển đến tử cung. (2)
>> Tìm hiểu về chương trình IVF của bệnh viện đa khoa Hà Nội với gói khám vô sinh hiếm muộn ngay!
Nguyên nhân gây tắc vòi trứng
Hiểu rõ được nguyên nhân gây ra tình trạng vòi trứng bị tắc không chỉ giúp xác định phương pháp điều trị hiệu quả, mà còn phòng tránh được các biến chứng nghiêm trọng như mang thai ngoài tử cung hay vô sinh. Dưới đây là một số nguyên nhân tắc ống dẫn trứng phổ biến:
- Nhiễm trùng vùng chậu (PID):
Viêm nhiễm vùng chậu, đặc biệt do các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia hoặc lậu, là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương và tắc nghẽn vòi trứng. Nhiễm trùng kéo dài có thể làm hỏng niêm mạc bên trong vòi trứng và dẫn đến hình thành mô sẹo. - Viêm nhiễm sau phẫu thuật: Các thủ thuật như nạo hút thai, mổ nội soi vùng chậu hoặc sinh mổ có thể để lại biến chứng viêm nhiễm. Nếu không được xử lý kịp thời, những viêm nhiễm này dễ dẫn đến dính hoặc hẹp vòi trứng.
- Lạc nội mạc tử cung:
Khi mô nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung, chúng có thể bám vào vòi trứng hoặc các cơ quan vùng chậu, gây ra viêm dính và tắc nghẽn vòi trứng. Đây là nguyên nhân thường gặp ở phụ nữ bị đau bụng kinh dữ dội và khó thụ thai. - Dị tật bẩm sinh:
Một số phụ nữ sinh ra đã có cấu trúc vòi trứng bất thường, như hẹp hoặc không phát triển đầy đủ, dẫn đến khó khăn trong việc thụ thai. Dị tật bẩm sinh thường liên quan đến các yếu tố di truyền hoặc ảnh hưởng trong quá trình phát triển phôi thai. - Sẹo từ phẫu thuật vùng chậu:
Các cuộc phẫu thuật như cắt ruột thừa, cắt u nang buồng trứng, hoặc phẫu thuật vùng chậu có thể gây ra hình thành mô sẹo. Mô sẹo này đôi khi chèn ép hoặc làm vòi trứng bị tắc. - Lao sinh dục:
Đây là nguyên nhân hiếm gặp nhưng đáng chú ý ở các quốc gia đang phát triển. Bệnh lao có thể lây lan đến vùng sinh dục, gây tổn thương nghiêm trọng và làm tắc nghẽn vòi trứng. - Mô sẹo từ viêm nhiễm mãn tính:
Những bệnh lý mãn tính ở vùng chậu hoặc các cơ quan lân cận cũng có thể để lại mô sẹo, gây ra dính và làm tắc nghẽn hệ thống ống dẫn trứng

Biểu hiện của tắc ống dẫn trứng
Tắc vòi dẫn trứng thường không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng, khiến cho nhiều phụ nữ chỉ phát hiện khi gặp khó khăn trong việc mang thai. Tuy nhiên khi bị tắc ống dẫn trứng, người phụ nữ có thể có những dấu hiệu sau:
- Kinh nguyệt không đều
Phụ nữ bị tắc vòi dẫn trứng có thể gặp tình trạng chu kỳ kinh nguyệt không ổn định, bao gồm các dấu hiệu như: chu kỳ kinh không đều, lượng máu kinh bất thường, xuất hiện cục máu đông, có màu sắc lạ…
- Đau vùng bụng dưới hoặc vùng chậu
Những cơn đau âm ỉ ở bụng dưới hoặc vùng chậu có thể kéo dài, đặc biệt khi hành kinh hoặc quan hệ tình dục.
- Khó mang thai
Đây là dấu hiệu thường gặp nhất. Đặc biệt là ở nữ giới đã quan hệ tình dục thường xuyên trên 1 năm mà không có bầu.
- Tiết dịch âm đạo bất thường
Một số trường hợp, tắc ống dẫn trứng có thể gây ra viêm nhiễm kèm hiện tượng tiết dịch âm đạo bất thường như: Dịch có màu vàng hoặc xanh, có mùi hôi khó chịu, gây cảm giác ngứa ngáy hoặc đau rát.
- Rối loạn tiêu hóa
Trong trường hợp viêm dính nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, hoặc đau bụng dai dẳng mà không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi, có hiện tượng sốt nhẹ
Khi vòi trứng bị tắc có liên quan đến viêm nhiễm vùng chậu, cơ thể có thể phản ứng với biểu hiện sốt nhẹ, cảm giác mệt mỏi kéo dài.
Trên đây là những biểu hiện tắc vòi trứng phổ biến. Tuy nhiên, những dấu hiệu trên cũng có thể nhầm lẫn với dấu hiệu của các bệnh phụ khoa khác. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong các biểu hiện trên, đặc biệt là khó mang thai hoặc đau bụng kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ phụ khoa sớm. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, như vô sinh hoặc mang thai ngoài tử cung.
Chẩn đoán tắc vòi trứng
Tiến sĩ Elena Martín Hidalgo , chuyên gia Sản phụ khoa – Cố vấn của Ủy ban hỗ trợ sinh sản Sescam cho biết:
“Hiếm khi tắc ống dẫn trứng khi đi kèm với triệu chứng. Hơn nữa, chúng thường được phát hiện sau khi đánh giá khả năng sinh sản của các cặp đôi gặp khó khăn trong việc thụ thai.” (4)
Chẩn đoán tắc ống dẫn trứng là bước quan trọng để xác định nguyên nhân và mức độ tắc nghẽn, giúp đưa ra phương án điều trị phù hợp. Dưới đây là những phương pháp kiểm tra tắc ống dẫn trứng phổ biến:
Siêu âm có phát hiện tắc vòi trứng không
Siêu âm chính là giải pháp kiểm tra tắc vòi trứng đầu tiên thường được bác sĩ chỉ định khi có nghi ngờ tắc ống dẫn trứng. Tuy nhiên siêu âm chỉ mang tính chất sàng lọc và phát hiện các dấu hiệu bất thường gián tiếp khác.

Siêu âm đầu dò có biết tắc vòi trứng không
Siêu âm đầu dò giúp quan sát chi tiết các cơ quan trong vùng chậu như buồng trứng tử cung và vòi trứng. Siêu âm đầu dò có thể phát hiện tình trạng tắc ống dẫn trứng thông qua các biểu hiện gián tiếp như: tình trạng ứ dịch vòi trứng. Tuy nhiên hạn chế của phương pháp này là không thể khẳng định chính xác tình trạng tắc ống dẫn trứng.
Siêu âm ổ bụng trong chẩn đoán tắc vòi trứng
Phương pháp siêu âm ổ bụng cho cái nhìn tổng quan về các cơ quan sinh sản và vùng chậu. Tuy nhiên, độ chính xác trong việc xác định vòi trứng bị tắc thấp hơn so với các kỹ thuật khác, và thường chỉ được sử dụng để bổ sung thông tin.
Chụp X-quang tử cung vòi trứng (HSG)
Chụp X-quang tử cung (HSG) được coi là phương pháp chủ lực trong chẩn đoán tắc ống dẫn trứng. Khi thực hiện HSG, một loại thuốc cản quang được đưa vào bên trong tử cung và vòi trứng qua ống thông. Sau đó tiến hành chụp X-quang để đánh giá sự lưu thông.
Phương pháp này có thể xác định chính xác vị trí tắc nghẽn, từ đoạn loa, đoạn bóng đến đoạn kẽ. Tuy nhiên khi tiến hành bệnh nhân có thể có cảm giác đau và khó chịu.
Nội soi ổ bụng
Nội soi vừa là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh vừa cho phép điều trị trực tiếp. Ưu điểm của phương pháp chính là có thể xác định rõ mức độ tắc nghẽn và tổn thương niêm mạc của vòi trứng. Song song với đó, bác sĩ có thể tiến hành thực hiện thông tắc ống dẫn trứng hoặc cắt bỏ phần vòi trứng bị tổn thương nếu cần.
Tuy nhiên lưu ý: Đây là thủ thuật xâm lấn, yêu cầu gây mê và có nguy cơ biến chứng nhỏ.
MRI và kỹ thuật hình ảnh hiện đại
MRI hay còn gọi là cộng hưởng từ sẽ giúp cung cấp hình ảnh chi tiết và rõ ràng về cấu trúc vùng chậu, đặc biệt hữu ích cho các trường hợp cần đánh giá các biến chứng phức tạp. Phương pháp này thường được chỉ định bổ sung sau siêu âm hoặc HSG để hỗ trợ chẩn đoán tình trạng bệnh.
Đặc biệt đây là phương pháp không xâm lấn và có độ chính xác cao, tuy nhiên chi phí thực hiện cao, không phải là sự lựa chọn đầu tay.
Tùy vào triệu chứng, tiền sử bệnh án và mức độ nghi ngờ vòi trứng có dấu hiệu bị tắc, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một hoặc nhiều phương pháp kết hợp với nhau để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Việc thực hiện thăm khám kịp thời giúp cải thiện cơ hội điều trị và bảo toàn khả năng sinh sản của bệnh nhân.
Tắc vòi trứng chữa được không?
Tắc ống dẫn trứng hoàn toàn có thể chữa được nếu như được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc và vị trí tắc nghẽn, mức độ tổn thương và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Tắc vòi trứng đoạn kẽ, đoạn bóng, đoạn loa có thông được không?
Vị trí tắc nghẽn trong vòi trứng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng điều trị.
- Tắc vòi trứng đoạn bóng và tắc vòi trứng đoạn loa là hai vị trí tắc nghẽn phổ biến, thường nằm ở gần buồng trứng. Nội soi thông tắc ống trứng thường mang lại kết quả tốt.
- Tắc vòi trứng đoạn kẽ có thông được không? Đây là vị trí nằm sâu ở trong thành tử cung và cũng là khu vực khó điều trị nhất. Tắc ống dẫn trứng ở đoạn kẽ thường đòi hỏi kỹ thuật phẫu thuật cao và có tỷ lệ thành công thấp hơn các đoạn khác.
Khi tình trạng tổn thương nặng hoặc dính toàn bộ ống dẫn trứng, các bác sĩ có thể khuyến nghị cắt bỏ và sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm (IVF)
Nội soi thông tắc vòi trứng
Nội soi thông tắc ống dẫn trứng là phương pháp điều trị phổ biến đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp tắc nghẽn nhẹ hoặc do dính vòi trứng.
Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ nội soi chuyên dụng để đưa vào vòi trứng, loại bỏ tắc nghẽn hoặc tách dính. Quá trình này giúp khôi phục khả năng lưu thông trứng và tinh trùng qua vòi trứng.

Phẫu thuật nội soi thông tắc ống dẫn trứng thành công trong 60-80% trường hợp khi được phát hiện và can thiệp sớm. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công giảm đáng kể nếu vòi trứng bị tắc ở đoạn kẽ hoặc có sự tổn thương nghiêm trọng của niêm mạc vòi trứng. (3)
Theo Tiến sĩ Rubén Baltá I Arandes – Bác sĩ Nội trú của Hệ thống Y tế Quốc gia tại Bệnh viện Đại học Son Espases:
“Phẫu thuật thông vòi trứng là một quy trình phức tạp và không thể đảm bảo hiệu quả hoàn toàn. Nó có thể dẫn đến sự hình thành các dính hoặc xơ mới, thậm chí làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Trong trường hợp tắc ống dẫn trứng hai bên, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả nhất.” (5)
Cách chữa tắc vòi trứng tại nhà có hiệu quả không?
Các cách chữa tắc ống dẫn trứng tại nhà thường được nhiều người tìm hiểu và áp dụng bởi dễ thực hiện, ít xâm lấn và chi phí thấp. Tuy nhiên mọi người cần hiểu rằng, những phương pháp này chỉ mang tính chất hỗ trợ giúp giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể, không thay thế được các phương pháp điều trị y khoa hiện đại. Dưới đây là một số biện pháp hỗ trợ thông tắc ống dẫn trứng tại nhà phổ biến:
- Chườm nóng bụng dưới: Giúp thư giãn cơ vùng chậu, tăng lưu thông máu, giảm cảm giác đau nhức.
- Massage vùng chậu: Giúp kích thích tuần hoàn máu ở vùng chậu hỗ trợ giảm căng cứng cơ.
- Các bài tập hỗ trợ như Kegel, Yoga:
Yoga giúp cải thiện tuần hoàn máu vùng chậu và tăng cường sức khỏe tử cung. Có thể tham khảo các bài tập như tư thế cây cầu (Bridge Pose) và tư thế con bướm (Butterfly Pose)
Kegel giúp tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu, cải thiện chức năng cơ quan sinh sản và hỗ trợ khả năng mang thai. - Bài thuốc dân gian: Một số thảo dược như ích mẫu, bồ công anh hoặc nghệ có thể giúp giảm viêm và tăng sức khỏe tử cung. Tuy nhiên hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng trong việc điều trị tắc ống dẫn trứng.
Tắc ống dẫn trứng và khả năng mang thai
Khi bị tắc ống dẫn trứng người vợ vẫn có khả năng mang thai, nhưng điều này còn tùy thuộc vào mức độ, vị trí tắc nghẽn cũng như các phương pháp điều trị được áp dụng.
Tắc vòi trứng có con được không
Tắc vòi trứng 1 bên
Khi bị tắc ống dẫn trứng một bên, khả năng mang thai vẫn có khi bên còn lại vẫn hoạt động bình thường. Trong trường hợp này, bên vòi trứng thông thoáng vẫn có khả năng bắt giữ trứng từ buồng trứng đối diện (mặc dù tỷ lệ này không cao).
Tắc vòi trứng 2 bên
Nếu hai vòi trứng bị tắc nghẽn hoàn toàn, tinh trùng không thể tiếp cận trứng để thụ tinh, dẫn đến vô sinh. Trong trường hợp này, phương pháp hỗ trợ sinh sản như IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) là giải pháp tối ưu. Bác sĩ sẽ lấy trứng trực tiếp từ buồng trứng, thụ tinh trong phòng thí nghiệm và đặt phôi vào tử cung.
Tắc vòi trứng có làm IUI được không
IUI hay còn gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung chỉ khả thi khi ít nhất một bên vòi trứng còn thông thoáng. Trong trường hợp cả hai bên vòi trứng bị tắc tinh trùng không thể tiếp cận trứng để thụ tinh do đó, IUI không phải là sự lựa chọn phù hợp.
Tắc vòi trứng thì trứng có rụng không
Vòi trứng bị tắc không ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình rụng trứng. Trứng vẫn được phóng thích từ buồng trứng theo chu kỳ tự nhiên. Tuy nhiên, khi vòi trứng bị tắc, trứng không thể di chuyển vào tử cung để gặp tinh trùng, dẫn đến việc thụ tinh không xảy ra.
ThS.BS Nguyễn Thị Thu – Chuyên gia hỗ trợ sinh sản, TT Hiếm muộn và Y học giới tính – Bệnh viện Đa Khoa Hà Nội chia sẻ:
“Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân đã mổ thông vòi tử cung nhưng vẫn không thể mang thai tự nhiên, hoặc có những trường hợp bị mang thai ngoài tử cung do chức năng của ống dẫn trứng không còn hoàn thiện.”

Những lưu ý khi khám chữa tắc vòi trứng
- Tránh tự ý điều trị
Không nên áp dụng các biện pháp dân gian hoặc tự ý dùng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Điều này có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. - Kiểm tra định kỳ
Nếu bạn có tiền sử viêm nhiễm phụ khoa, nạo hút thai, hoặc khó mang thai, việc kiểm tra định kỳ là cần thiết để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến vòi trứng. - Hỗ trợ tinh thần và thể chất
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện nhẹ nhàng như yoga hoặc Kegel, và giữ tâm lý thoải mái để hỗ trợ quá trình điều trị. - Lựa chọn cơ sở y tế uy tín
Nên đến các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa sản uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Các phương pháp chẩn đoán như chụp X-quang tử cung vòi trứng (HSG), nội soi ổ bụng sẽ giúp xác định chính xác vị trí và mức độ tắc nghẽn.
Trong trường hợp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn do tắc ống dẫn trứng, hãy cân nhắc phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF tại bệnh viện uy tín để hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ.
Trung tâm Hiếm muộn & Y học Giới tính – Bệnh viện Đa khoa Hà Nội là một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản tại khu vực miền Bắc. Với sứ mệnh mang lại hạnh phúc cho các gia đình, trung tâm tập trung vào việc chẩn đoán và điều trị các vấn đề liên quan đến vô sinh – hiếm muộn, đồng thời cung cấp các dịch vụ chuyên sâu trong y học giới tính.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Phương – Giám đốc Trung tâm Hiếm muộn & Y học giới tính Hà Nội chia sẻ:
“Điều khó khăn nhất không phải bệnh lý của bệnh nhân, vì chỉ cần nghiên cứu kỹ càng, tất cả đều có hướng điều trị. Khó khăn nhất là làm sao thuyết phục được bệnh nhân không được bỏ cuộc, còn trứng, còn tinh trùng là còn cơ hội”. (5)
Với tỷ lệ thành công lên đến 86%, bệnh viện đạt dấu mốc quan trọng với 6000+ em bé được sinh ra bởi phương pháp IVF trong năm 2024. Trung tâm tự hào sở hữu đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm “mát tay” trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản như: Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Phương; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu; PGS.TS Nguyễn Khang Sơn…
Ngoài ra, bệnh viện sở hữu trang thiết bị hiện đại và hệ thống phòng Lab đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo hỗ trợ tối ưu cho các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn trong việc có con. Liên hệ tổng đài 1900 234529 để được tư vấn cũng như đặt lịch khám chữa với nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các gia đình hiếm muộn.
Câu hỏi thường gặp
Kinh nguyệt đều thì có bị tắc vòi trứng không?
Có thể. Vòi trứng bị tắc không liên quan trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt, vì vậy bạn vẫn có nguy cơ dù kinh nguyệt đều.
Tắc vòi trứng có gây đau không?
Tắc ống dẫn trứng thường không gây đau, nhưng nếu có viêm nhiễm kèm theo, người bệnh có thể cảm thấy đau vùng chậu hoặc bụng dưới.
Siêu âm có biết được tắc vòi trứng không?
Siêu âm có thể phát hiện dấu hiệu gián tiếp của tắc vòi dẫn trứng như ứ dịch vòi trứng, nhưng cần kết hợp thêm các phương pháp khác để chẩn đoán chính xác.
Tắc vòi trứng có thông được không?
Tắc vòi dẫn trứng có thể được thông bằng các phương pháp như nội soi hoặc chụp X-quang với kỹ thuật thông tắc.
Phẫu thuật thông tắc vòi trứng có đau không?
Phẫu thuật nội soi thông tắc vòi dẫn trứng thường ít đau do được thực hiện dưới gây mê và người bệnh sẽ hồi phục nhanh sau vài ngày.
Trên đây là tất tần tật các thông tin liên quan đến bệnh lý tắc ống dẫn trứng. Căn bệnh này, tuy không phải là hiếm gặp, nhưng lại là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn trong việc mang thai, thậm chí dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị kịp thời. Phát hiện và điều trị sớm là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe sinh sản cũng như nâng cao cơ hội làm mẹ.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ liên quan đến tắc vòi trứng hoặc đang gặp khó khăn trong việc mang thai, đừng ngần ngại tìm đến các bệnh viện uy tín để được thăm khám và tư vấn.
NGUỒN THAM KHẢO:
- Tubal Factor (Fallopian Tubes) Infertility, https://fertility.womenandinfants.org/services/women/tubal-factor-infertility (20/11/2024)
- “Sites of Ectopic Pregnancy”, https://www.ectopicpregnancy.co.uk/for-patients/sites-of-eptopic-pregnancy/ , (26/11/2024)
- Role of tubal surgery in the era of assisted reproductive technology: a committee opinion (2021), https://www.asrm.org/practice-guidance/practice-committee-documents/role-of-tubal-surgery-in-the-era-of-assisted-reproductive-technology-a-committee-opinion-2021/ (24/11/2024)
- “Blocked Fallopian Tubes – Causes, Diagnosis & Treatment”, https://www.invitra.com/en/fallopian-tube-obstruction/ (27/11/2014)
- “Người cha của hàng ngàn em bé IVF: Thật hạnh phúc khi là một bác sĩ hỗ trợ sinh sản”, https://afamily.vn/nguoi-cha-cua-hang-ngan-em-be-ivf-that-hanh-phuc-khi-la-mot-bac-si-ho-tro-sinh-san-20220906173634225.chn (10/11/2024)