Những điều cần biết về bệnh Cúm dạ dày
Cúm dạ dày (stomach flu) còn gọi là viêm dạ dày ruột virus. Đây là một bệnh lý khá thường gặp gây ra viêm và rối loạn chức năng ở dạ dày, ruột. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.
Cúm dạ dày là gì?
Cúm dạ dày (hay còn gọi là viêm dạ dày ruột virus) là một bệnh nhiễm trùng đường ruột đặc trưng với những tình trạng như tiêu chảy ra nước, đau quặn bụng, buồn nôn hoặc nôn và đôi khi kèm theo sốt.
Mỗi loại virus đường tiêu hóa đều có một mùa hoạt động mạnh nhất. Nếu bạn sống ở các quốc gia phía Bắc bán cầu, bạn có nhiều khả năng bị nhiễm rotavirus hoặc norovirus trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm.
Bạn có thể mắc cúm dạ dày nếu có tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc ăn phải thức ăn, nước uống nhiễm bẩn. Nếu hệ miễn dịch khỏe mạnh, khả năng hồi phục thường cao hơn và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em (nhất là trẻ sơ sinh), người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu lại nguy hiểm hơn vì có thể dẫn đến tử vong.
Hiện vẫn không có phương pháp điều trị hiệu quả cúm dạ dày, vì vậy cần phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Dấu hiệu và triệu chứng
Dấu hiệu và triệu chứng cúm dạ dày là gì?
Mặc dù có tên gọi là cúm dạ dày nhưng bệnh này không phải là cúm vì không ảnh hưởng đến hệ hô hấp (mũi, họng và phổi).
Cúm dạ dày tấn công đường ruột, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Tiêu chảy ra nước, thường không có máu
- Đau bụng và có cảm giác co thắt từng cơn
- Buồn nôn, nôn
- Thỉnh thoảng có đau cơ hoặc nhức đầu
- Sốt nhẹ
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng cúm dạ dày thường xuất hiện trong vòng 1-3 ngày sau khi bạn bị nhiễm và mức độ nghiêm trọng có thể từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng chỉ kéo dài 1-2 ngày nhưng trong một số trường hợp nặng hơn có thể lên đến 10 ngày.
Bệnh này rất dễ nhầm lẫn với tiêu chảy do vi khuẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng ruột do C-Difficile, salmonella và E. coli hoặc do ký sinh trùng như giardia.
Khi nào bạn cần đến bác sĩ?
Cần nhanh chóng đến cơ sở y tế nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau:
Đối với người trưởng thành
- Tiêu chảy ra nước nhiều lần trong hơn 24 giờ
- Nôn ra máu
- Sốt cao trên 40°C
- Nôn mửa hơn hai ngày
- Xuất hiện dấu hiệu mất nước
- Phân có máu
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em
- Sốt từ (38,9°C) trở lên
- Tiêu chảy ra máu
- Nôn ói kéo dài hơn vài giờ (phân biệt với nôn trớ)
- Thiếu tỉnh táo, lờ đờ, ngủ li bì
- Khó chịu, quấy khóc do đau bụng
- Có dấu hiệu mất nước
Nguyên nhân
Nguyên nhân của cúm dạ dày là gì?
Cúm dạ dày do virus gây ra, thường do thức ăn hoặc nước uống nhiễm bẩn hoặc do dùng chung đồ dùng, khăn tắm hoặc thức ăn với người bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, ăn một số loại động vật có vỏ, đặc biệt là hàu sống hoặc chưa nấu chín cũng có thể gây cúm dạ dày. Nhiều trường hợp người bệnh không vệ sinh tay kỹ sau khi đi vệ sinh sẽ làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống, từ đó góp phần lây truyền bệnh.
Một số loại virus có thể gây ra cúm dạ dày là:
- Norovirus. Cả trẻ em và người lớn đều có thể là đối tượng của norovirus – nguyên nhân phổ biến nhất của các bệnh truyền nhiễm lây qua đường ăn uống.
- Rotavirus. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây cúm dạ dày ở trẻ em. Trẻ thường bị nhiễm bệnh khi đưa ngón tay hoặc các vật dụng nhiễm bẩn vào miệng. Người lớn bị nhiễm virus rota có thể không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây bệnh.
Virus lây lan nhanh chóng qua các phần tử trong chất nôn hoặc phân của người bệnh nên bạn có thể bị nhiễm thông qua:
- Các tiếp xúc trực trực tiếp với người bệnh
- Tiếp xúc với đồ vật nhiễm virus
- Thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm virus
Ai có nguy cơ cao bị cúm dạ dày?
Một số đối tượng dễ bị cúm dạ dày hơn những người khác là:
- Trẻ nhỏ vì hệ thống miễn dịch của chúng chưa hoàn thiện
- Người cao tuổi thường có hệ miễn suy yếu dần theo thời gian
- Học sinh hay những người ở trong một khu dân cư có khu sinh hoạt chung
- Người có hệ miễn dịch yếu, như bị nhiễm HIV/AIDS, đang hóa trị liệu hoặc có bệnh lý khác
Biến chứng
Cúm dạ dày có biến chứng gì?
Biến chứng chính của bệnh là tình trạng mất nước. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm có thể bị mất nước nghiêm trọng nếu nhiễm bệnh, cần nhập viện để truyền dịch. Người trưởng thành có sức khỏe tốt thì có thể khắc phục tình trạng mất nước (do nôn và tiêu chảy) tại nhà bằng cách bổ sung nước, các món ăn nhạt lỏng hoặc sệt.
Các biến chứng khác có thể xảy ra là:
- Mất cân bằng dinh dưỡng
- Yếu cơ (nhược cơ)
Ngoài ra, khi bị mất nước nặng có thể dẫn đến những biến chứng của chính tình trạng này, gồm:
- Sưng phù não
- Hôn mê
- Sốc giảm thể tích máu
- Suy thận
- Co giật, lên cơn động kinh
Biện pháp phòng ngừa cúm dạ dày
Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng đường ruột là làm theo các biện pháp phòng ngừa sau:
- Đưa trẻ đi tiêm phòng. Một số quốc gia (như Mỹ) đã có vắc-xin chống bệnh cúm dạ dày do virus rota gây ra. Vắc-xin được tiêm cho trẻ trong 12 tháng đầu sau sinh.
- Rửa tay thật sạch, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh. Mang theo khăn giấy sạch và nước rửa tay khô để dễ dàng sử dụng khi không có sẵn xà phòng và nước.
- Giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần với người bệnh truyền nhiễm nếu có thể.
- Dùng riêng vật dụng cá nhân. Tránh dùng chung dụng cụ ăn uống hay khăn tắm.
- Đề phòng khi đi du lịch, ăn chín, uống nước đóng chai, tránh uống đá viên, dùng nước đóng chai để đánh răng thay vì nước từ vòi, tránh ăn rau quả cắt sẵn.
- Khử trùng bề mặt cứng như quầy, kệ, vòi nước và tay nắm cửa
Xem thêm: Bệnh lây qua đường tiêu hóa bạn nên lưu ý để tránh