Khi nào cần kiểm tra thính lực cho trẻ
Để có thính giác khỏe mạnh, cha mẹ cần phát hiện kịp thời để chữa trị cho trẻ.
Thính giác đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện kỹ năng về mặt xã hội và tình cảm của con người. Trẻ nghe kém sẽ bị ảnh hưởng lớn trong phát triển ngôn ngữ, gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình học tập và sinh hoạt xã hội.
Vì sao cần phải đo thính lực cho trẻ em?
Theo Tổ chức chăm sóc sức nghe thế giới, ước tính cứ 3 trong số 1000 trẻ sinh ra gặp vấn đề về thính lực. Tuy nhiên, do trẻ nhỏ chưa bộc lộ các dấu hiệu rõ ràng nên thường khi việc nghe kém thực sự ảnh hưởng đến sinh hoạt, phụ huynh mới biết sự cố xảy ra với con mình.
Ảnh: Thính lực ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và sinh hoạt của mỗi người.
Khi nào cha mẹ cần đưa trẻ đi đo thính lực?
Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ phản ứng với tiếng động và tiếng thì thầm, tiếng cười hay tiếng nói ríu rít. Khi các bé lớn hơn, chúng biết nhìn và quay đầu cũng như nói bi bô và thay đổi cao độ giọng nói của chúng để tìm kiếm nguồn âm thanh phát ra. Các mốc phát triển cũng tùy thuộc vào khả năng phát triển của con.
Tuy nhiên các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi đo thính lực nếu trẻ có các dấu hiệu sau:
- Không có bất kỳ đáp ứng nào với tiếng động lớn bất ngờ.
- Không quay đầu theo hướng giọng nói của bạn.
- Không bập bẹ hay cố gắng bắt chước âm thanh.
- Không hiểu các cụm từ đơn giản lúc 12 tháng tuổi.
- Không đáp ứng với âm thanh hoặc tên của mình và không thể xác định vị trí nơi âm thanh được phát ra.
- Không bắt chước nói hoặc sử dụng những từ đơn giản đối với những người và các đồ vật quen thuộc.
- Không nghe tivi ở các mức bình thường.
- Không sử dụng tiếng nói hay cho thấy sự phát triển ngôn ngữ như các trẻ cùng tuổi.
- Nói chuyện quá lớn.
- Xem tivi và nghe nhạc ở âm lượng cao bất thường.
- Phàn nàn không nghe được giáo viên nói và mức độ khó chịu.
- Trẻ chậm nói, nói không rõ.
- Làm sai các chỉ dẫn hoặc có vẻ hay “mơ mộng”.
- Phàn nàn tiếng chuông, tiếng rít hoặc các âm thanh khác trong tai.
Hiện nay ở các bệnh viện lớn, trẻ sẽ được sàng lọc thính giác sau khi sinh. Việc sàng lọc thính giác giúp kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, giúp trẻ có cuộc sống bình thường sau này.