Dấu hiệu cho thấy bạn thuộc nhóm người có nguy cơ mắc ung thư vú cao nhất
Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư vú ngày càng tăng và hiện đang là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Vậy những người nào thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh cao cần phải chú ý?
Theo các chuyên gia, ung thư vú là loại ung thư phổ biến khắp thế giới và là sự kết hợp bởi nhiều yếu tố gây ra.
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú có thể gồm:
- Thay đổi về kích thước, hình dáng và vẻ ngoài của vú
- Những thay đổi của lớp da vú, như vết lõm da
- Núm vú thụt vào trong trong khoảng thời gian gần đây
- Lột da, đóng vảy hoặc bong tróc vùng da đậm màu xung quanh núm vú (quầng vú) hoặc lớp da vú.
- Lớp da vú bị đỏ hoặc bị lõm, tương tự như “da quả cam”
Vậy những người nào thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư vú?
- Phụ nữ ở độ tuổi 45-50. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 100 lần ở nam giới và thường gặp ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.
- Phụ nữ mãn kinh trễ trên 55, có kinh sớm trước 10 tuổi. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone.
- Không có con, có con đầu lòng trên 35 tuổi, không cho con bú.
- Đã bị ung thư vú một bên.
- Di truyền: Thống kê cho thấy khoảng 5-10% ung thư vú là do di truyền. Do đó, nếu trong gia đình có bà, mẹ hay chị gái mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn. Phần lớn các trường hợp ung thư vú do di truyền thường từ 2 gen BRCA1 và BRCA2. Những phụ nữ có đột biến gen BRCA1 và/hoặc BRCA2 có thể có đến 80% nguy cơ mắc bệnh.
Ảnh 1: Gen là yếu tố di truyền có tỷ lệ mắc ung thư vú cao
- Bản thân đã có khối u vú với tăng sản ống tuyến vú không điển hình.
- Đã hay đang bị ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung.
- Tiếp xúc nhiều với hóa chất, tia xạ. Tuy lượng phơi nhiễm từ tia X là rất thấp nhưng nữ giới cũng cần hạn chế tiếp xúc với môi trường phóng xạ để tránh nguy cơ mắc bệnh.
- Chế độ dinh dưỡng nhiều thịt, giàu chất béo, ít rau quả và người hút thuốc lá, uống nhiều rượu. Chế độ ăn uống nhiều calo trong khi cơ thể lười vận động sẽ làm lượng mỡ thừa trong cơ thể tăng cao dẫn đến béo phì và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Ngoài ra, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, căng thẳng kéo dài cũng dễ dẫn đến ung thư vú.
- Phụ nữ béo phì: Nguyên nhân là do phụ nữ bị béo phì thường sản sinh ra nhiều estrogen hơn so với phụ nữ khác. Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư gan,…
- Uống lâu dài liên tục thuốc nội tiết thay thế sau mãn kinh. Dùng hormon thay thế như estrogen và progesteron để điều trị các triệu chứng mãn kinh cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao.
- Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú: như xơ vú, áp – xe – vú… nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư. Hơn nữa, việc chẩn đoán ung thư vú sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu người bệnh mắc thêm những bệnh lý tuyến vú này.
Ảnh 2: Tập thể dục và sinh hoạt điều độ là cách có thể giúp bạn phòng ngừa ung thư vú.
Tuy vậy, ngoài những yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh không thể thay đổi như tình trạng nội tiết hay sự di truyền, chị em phụ nữ có thể thay đổi các yếu tố khác nhằm giảm nguy cơ gây bệnh. Đó là:
- Không hoạt động thể chất: phụ nữ không vận động, thể dục thường xuyên có nguy cơ bị ung thư vú cao
- Thừa cân, béo phì sau thời kì mãn kinh
- Sử dụng thuốc tránh thai, một số hình thức điều trị thay thế hoocmon trong thời kì mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư vú
- Có thai con đầu tiên sau 30 tuổi, không cho con bú, không mang thai đủ tháng làm tăng nguy cơ bị ung thư vú
- Uống rượu, bia, sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, thức khuya, tiếp xúc với hóa chất thường xuyên.
Dấu hiệu nhận biết sớm của ung thư vú thường là có sự xuất hiện của các u cục. Nếu các cục u không đau, cứng và các cạnh không đều thì có thể là dấu hiệu của ung thư. Ngoài ra, các chị em nên định kỳ khám sức khỏe 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời.