Skip to main content

Đa Nang Buồng Trứng và U Nang Buồng Trứng Có Gì Khác Biệt

0
Cập nhật lần cuối: 26/12/2024
Đa Nang Buồng Trứng Và U Nang Buồng Trứng Có Gì Khác Biệt
Đa Nang Buồng Trứng Và U Nang Buồng Trứng Có Gì Khác Biệt

Đa nang buồng trứng và u nang buồng trứng là hai vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến buồng trứng của phụ nữ, nhưng chúng không phải là một. Mặc dù có những triệu chứng tương tự nhưng mỗi tình trạng lại có nguyên nhân, cách điều trị và hậu quả sức khỏe khác nhau. Việc phân biệt rõ ràng giữa đa nang buồng trứng và u nang buồng trứng giúp phụ nữ chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, từ đó có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Cùng tìm hiểu về sự khác biệt giữa hai vấn đề này qua bài viết dưới đây!

Phân biệt định nghĩa đa nang buồng trứng và u nang buồng trứng

Đa nang buồng trứng là gì?

Đa nang buồng trứng hay còn gọi là hội chứng buồng trứng đa nang PCOS là một rối loạn nội tiết tố phổ biến. Trong đó, buồng trứng phát triển nhiều nang nhỏ gây mất cân bằng hormone. Các nang này trung bình nhỏ hơn 10mm, không phát triển thành nang noãn trưởng thành, không rụng như bình thường để gặp tinh trùng và thụ tinh. Vì vậy khi mắc đa nang buồng trứng, khả năng phụ nữ bị vô sinh hiếm muộn là rất cao.

Đa nang buồng trứng (PCOS) ảnh hưởng đến khoảng 6-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới, tùy thuộc vào các tiêu chí chẩn đoán được áp dụng.(1) Đa nang buồng trứng thường liên quan đến các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, mụn trứng cá, và rụng tóc. Tuy nhiên biểu hiện ở mỗi người là không giống nhau.

Đa nang buồng trứng là gì?
Đa nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng là tình trạng khi một hoặc nhiều nang hình thành trên buồng trứng, chúng có thể chứa chất lỏng hoặc mô. U nang buồng trứng được chia ra làm 2 loại là u nang cơ năng và u nang thực thể. Loại u nang cơ năng thường không gây hại và tự tiêu biến theo chu kỳ kinh nguyệt, còn u nang thực thể có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng hơn như xoắn nang, vỡ nang hoặc ung thư.

Các nghiên cứu về u nang buồng trứng trên tạp chí Frontiers in Endocrinology cho thấy khoảng 7% phụ nữ trên toàn thế giới sẽ trải qua tình trạng này ít nhất một lần trong đời, với u nang cơ năng phổ biến hơn, đặc biệt ở phụ nữ trong độ tuổi từ 20-35 (2). U nang buồng trứng thường không có triệu chứng rõ rệt, nhưng nếu có, phụ nữ có thể cảm thấy đau bụng dưới, đặc biệt là khi u nang lớn lên.

Sự khác biệt giữa u nang buồng trứng và đa nang buồng trứng

Hình thái siêu âm

  • Đa nang buồng trứng

Trên siêu âm, buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ, thường có kích thước dưới 10mm bao phủ quanh buồng trứng.

  • U nang buồng trứng:

U nang tạo thành một hoặc vài khối nang lớn, kích thước vượt quá 10mm và có thể chứa chất lỏng hoặc mô đặc.

Nguyên nhân gây bệnh

  • Đa nang buồng trứng

Thường liên quan đến sự mất cân bằng hormone, có thể là do di truyền, lối sống hoặc béo phì.

  • U nang buồng trứng:

U nang có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm sự thay đổi hormone, nhiễm trùng, hoặc yếu tố di truyền.

Triệu chứng lâm sàng

  • Đa nang buồng trứng

Phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng thường gặp các dấu hiệu như:

  • Rối loạn kinh nguyệt (chu kỳ không đều, kinh thưa hoặc vô kinh)
  • Tăng cân khó kiểm soát
  • Nổi mụn trứng cá do mất cân bằng hormone
  • Rậm lông, rụng tóc ở khu vực đỉnh đầu
  • U nang buồng trứng:

U nang buồng trứng thường thể hiện qua các triệu chứng như:

  • Đau bụng dưới hoặc căng tức vùng bụng
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Có thể thay đổi thói quen đại tiện tiểu tiện

Trong trường hợp u nang lớn hoặc biến chứng như xoắn nang, cơn đau có thể đột ngột và dữ dội hơn.

Hậu quả tiềm ẩn
Hậu quả tiềm ẩn

Hậu quả tiềm ẩn

  • Đa nang buồng trứng

Nếu không được quản lý và điều trị, đa nang buồng trứng có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, bao gồm tăng nguy cơ vô sinh, tiểu đường type 2 do đề kháng insulin, và các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp hoặc cholesterol cao.

Ngoài ra, bệnh nhân PCOS cũng có nguy cơ cao hơn mắc ung thư nội mạc tử cung do sự tích tụ lớp niêm mạc tử cung mà không được đào thải đều đặn.

  • U nang buồng trứng:

Các khối u lành tính có thể không gây nguy hiểm, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng có thể dẫn đến biến chứng nặng nề. Những u nang lớn có thể bị xoắn, gây tắc nghẽn mạch máu và làm hư hại mô buồng trứng, cần can thiệp phẫu thuật khẩn cấp.

Một số u nang có thể vỡ, gây chảy máu trong và đe dọa tính mạng. Đặc biệt, nếu không được theo dõi sát sao, một số loại u nang phức tạp có thể tiến triển thành ung thư buồng trứng – một trong những dạng ung thư nguy hiểm và khó phát hiện sớm.

>> Xem thêm: Tắc vòi trứng là gì? Triệu chứng, dấu hiệu và cách điều trị

Đa nang buồng trứng có sao không?

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Trước hết, bệnh gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản vì quá trình rụng trứng không diễn ra đều đặn, dẫn đến khó thụ thai hoặc vô sinh.

đa nang buồng trứng có thể gây vô sinh
đa nang buồng trứng có thể gây vô sinh

Ngoài ra, sự mất cân bằng hormone kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Rối loạn chuyển hóa: Tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2, béo phì và cholesterol cao.
  • Tim mạch: PCOS liên quan mật thiết đến nguy cơ cao huyết áp và các bệnh lý về tim mạch.
  • Ung thư nội mạc tử cung: Do niêm mạc tử cung không được loại bỏ đều đặn qua các chu kỳ kinh nguyệt.

Những triệu chứng lâm sàng như rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, mụn trứng cá, và thừa lông cũng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh.

Richard S. Legro, Tiến sĩ Y khoa, FACOG, Đại học Penn State cho biết: “Sự phức tạp của PCOS nằm ở các triệu chứng đa dạng, bao gồm kháng insulin và viêm mãn tính. Các phương pháp điều trị cá nhân hóa tập trung vào triệu chứng chuyển hóa và sinh sản đã mang lại hiệu quả cao.”​(3)

Khi nào cần đến bác sĩ?

Khi cơ thể xuất hiện một hoặc một vài triệu chứng dưới đây, hãy nhanh chóng thăm khám với bác sĩ chuyên khoa phụ sản, vì đây rất có thể là dấu hiệu liên quan đến đa nang buồng trứng và u nang buồng trứng:

  • Rối loạn kinh nguyệt kéo dài hoặc bất thường: Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn trở nên không đều hoặc thậm chí mất kinh trong thời gian dài, đây có thể là dấu hiệu của rối loạn nội tiết tố, thường gặp ở bệnh nhân PCOS.
  • Đau bụng dưới hoặc cảm giác nặng nề, chèn ép: Đau bụng hoặc cảm giác căng tức vùng bụng dưới có thể là triệu chứng của u nang buồng trứng. Nếu cơn đau trở nên mạnh mẽ và không thuyên giảm, đây có thể là dấu hiệu của u nang bị vỡ hoặc xoắn.
  • Tăng cân bất thường hoặc các triệu chứng như mụn trứng cá, rụng tóc: Những vấn đề này liên quan đến sự mất cân bằng hormone, đặc biệt là ở phụ nữ mắc PCOS. Sự gia tăng hormone nam (androgen) có thể gây ra mụn trứng cá và rụng tóc, cùng với tình trạng tăng cân không kiểm soát.
  • Khó có thai hoặc gặp vấn đề về sinh sản: Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc thụ thai, điều này có thể liên quan đến vấn đề rối loạn rụng trứng trong PCOS hoặc ảnh hưởng từ u nang buồng trứng. Những người bị PCOS thường gặp vấn đề về khả năng sinh sản do thiếu sự rụng trứng đều đặn.
Bệnh viện đa khoa hà nội
Bệnh viện đa khoa hà nội

Ngoài những vấn đề nêu trên, nếu bạn gặp phải các dấu hiệu như mệt mỏi kéo dài, thay đổi tâm trạng hoặc các vấn đề về da (rậm lông, nám), hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán bệnh và nhận điều trị kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán đa nang buồng trứng và u nang buồng trứng

Để xác định chính xác tình trạng của buồng trứng và phân biệt giữa đa nang buồng trứng (PCOS) và u nang buồng trứng, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp chẩn đoán hiện đại như siêu âm và xét nghiệm hormone. Siêu âm buồng trứng giúp phát hiện các nang nhỏ trong trường hợp đa năng, hoặc phát hiện u nang lớn nếu có.

Ngoài ra, xét nghiệm hormone sẽ giúp xác định mức độ mất cân bằng nội tiết tố, chẳng hạn như nồng độ estrogen, progesterone, testosterone và các hormone khác, từ đó giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và phân biệt các bệnh lý.

Điều trị đa nang buồng trứng và u nang buồng trứng

1.    Điều trị đa nang buồng trứng (PCOS):

Điều trị đa nang buồng trứng PCOS chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng và giảm thiểu biến chứng. Một trong những biện pháp quan trọng là thay đổi lối sống, bao gồm việc giảm cân nếu có tình trạng thừa cân và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để giúp ổn định lượng insulin trong cơ thể.

Theo Tiến sĩ Samantha Schon, bác sĩ nội tiết sinh sản và chuyên gia về vô sinh tại Bệnh viện Phụ nữ Von Voigtlander thuộc Đại học Michigan: “Đôi khi, chỉ cần giảm một lượng nhỏ cân nặng, khoảng 5–10%, cũng đủ giúp họ có chu kỳ kinh nguyệt bình thường trở lại”. (4)

Bên cạnh đó, thuốc nội tiết như viên thuốc tránh thai thường được sử dụng để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và giảm các triệu chứng như mụn trứng cá, thừa lông. Đối với những phụ nữ muốn có thai, bác sĩ có thể kê thuốc kích trứng hoặc điều trị bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hoặc IVF (thụ tinh trong ống nghiệm).

2.    Điều trị u nang buồng trứng:

Nếu u nang buồng trứng có kích thước nhỏ và không có triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp theo dõi định kỳ mà không cần điều trị can thiệp ngay lập tức.

Tuy nhiên, nếu u nang có kích thước lớn, gây đau đớn hoặc có nguy cơ biến chứng như xoắn nang, vỡ nang hoặc ung thư, phẫu thuật có thể là lựa chọn cần thiết để loại bỏ u nang. Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

Điều trị các biến chứng:
Trong trường hợp u nang buồng trứng bị vỡ hoặc xoắn, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật cấp cứu. Đối với các nang có nguy cơ ung thư, bác sĩ sẽ đánh giá và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp, bao gồm phẫu thuật loại bỏ u nang, kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị nếu cần.

IVF – phương pháp điều trị vô sinh cho các bệnh nhân u nang buồng trứng và đa nang buồng trứng

IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) đóng vai trò quan trọng trong điều trị vô sinh cho bệnh nhân mắc u nang buồng trứng và đa nang buồng trứng (PCOS).

Với PCOS, IVF giúp vượt qua rối loạn rụng trứng, tăng khả năng thụ thai bằng cách kích thích buồng trứng sản xuất trứng, sau đó thụ tinh ngoài cơ thể. Đối với u nang buồng trứng, IVF là giải pháp hiệu quả khi phẫu thuật không thể loại bỏ nang mà không ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng. Đây là phương pháp giúp các cặp vợ chồng có hy vọng sinh con, đặc biệt trong các trường hợp vô sinh do vấn đề buồng trứng.

Hàng ngày, Trung tâm hiếm muộn & Y học giới tính – Bệnh viện Đa khoa Hà Nội tiếp đón rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có bệnh lý phức tạp. Trong đó có các trường hợp người vợ bị vô sinh do đa nang buồng trứng và u nang buồng trứng. Không ít những trường hợp bệnh nhân đã đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không có kết quả và cũng không hy vọng nhiều với trung tâm. Tuy vậy, các bác sĩ tại Trung tâm hiếm muộn & Y học giới tính Hà Nội vẫn thăm khám cặn kẽ, nghiên cứu bệnh án để có thể có được giải pháp tối ưu, mang tin vui về cho các gia đình.

Trung tâm hiếm muộn & Y học giới tính - Bệnh viện Đa khoa Hà Nội
Trung tâm hiếm muộn & Y học giới tính – Bệnh viện Đa khoa Hà Nội

Nhờ có chuyên môn cao, với nhiều năm kinh nghiệm và giàu y đức, tỷ lệ các ca IVF thành công tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội luôn nằm trong TOP đầu miền Bắc với con số khoảng ~86%.

Gia đình anh On chị Năm – Yên Bái với 11 năm dài đằng đẵng đi tìm con với bệnh lý chồng không có tinh trùng, vợ bị đa nang buồng trứng. Chị Năm chia sẻ trong nghẹn ngào: “Mọi người hay bảo: Cây độc không trái, gái độc không con. Mình là người phụ nữ, mong muốn lớn lao nhất của cuộc đời mình là được làm mẹ.” Kỳ tích đã xuất hiện khi 2 vợ chồng đến với Trung tâm hiếm muộn & Y học giới tính – Bệnh viện Đa khoa Hà Nội.

Cách phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe buồng trứng

Để duy trì sức khỏe buồng trứng, chị em cần chú ý đến một số yếu tố quan trọng như:

  1. Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo để duy trì cân bằng hormone.
  2. Tập thể dục thường xuyên: Giúp cân bằng hormone, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý buồng trứng, duy trì cân nặng ổn định và giảm căng thẳng.
  3. Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến hormone và chức năng buồng trứng, vì vậy nên thư giãn qua yoga, thiền hoặc các hoạt động giải trí.
  4. Khám phụ khoa định kỳ: Việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề về buồng trứng, giảm nguy cơ biến chứng và hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Những biện pháp này giúp bảo vệ sức khỏe buồng trứng và giảm nguy cơ các bệnh lý phụ khoa. Ngoài ra, việc thăm khám phụ khoa định kỳ mỗi năm một lần sẽ giúp chị em phụ nữ hiểu rõ về sức khỏe sinh sản. Việc nhận biết sớm các bệnh phụ khoa, điển hình là các bệnh viêm nhiễm, u nang buồng trứng và đa nang buồng trứng… là việc hết sức quan trọng để có phương pháp điều trị kịp thời, giảm thiểu và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Câu hỏi thường gặp

  1. U nang buồng trứng và đa nang buồng trứng có chữa khỏi được không?
  • U nang buồng trứng: Phần lớn lành tính, tự biến mất hoặc cần phẫu thuật nếu lớn, gây đau hoặc có nguy cơ biến chứng.
  • Đa nang buồng trứng: Là tình trạng mạn tính, không chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát qua lối sống lành mạnh và thuốc nội tiết.
  1. Bị đa nang buồng trứng 2 bên có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Đa nang buồng trứng 2 bên thường gây rối loạn rụng trứng, tăng nguy cơ vô sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn có thể mang thai nhờ thuốc kích trứng hoặc các phương pháp hỗ trợ sinh sản như IUI hoặc IVF.

  1. Đa nang buồng trứng có sao không nếu không điều trị?

Nếu không điều trị, bệnh có thể gây vô sinh, béo phì, tiểu đường, cao huyết áp hoặc tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Điều trị sớm giúp giảm nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

NGUỒN THAM KHẢO

  1. “Polycystic Ovary Syndrome”, https://www.endocrine.org/patient-engagement/endocrine-library/pcos (03/12/2024)
  2. Surgical management of a rare giant ovarian serous cystadenoma with distinctive clinical manifestations, https://academic.oup.com/jscr/article/2023/6/rjad194/7190422  (03/12/2024)
  3. “Polycystic Ovary Syndrome: Common Questions and Answers”, https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2023/0300/polycystic-ovary-syndrome.html (03/12/2024)
  4. 7 things to know about polycystic ovary syndrome, https://www.michiganmedicine.org/health-lab/7-things-know-about-polycystic-ovary-syndrome (03/12/2024)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận