Đa Nang Buồng Trứng: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu và Cách Điều Trị

Đa nang buồng trứng (PCOS) là một vấn đề sức khỏe phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt, khó khăn trong việc thụ thai và những vấn đề về nội tiết. Vậy đa nang buồng trứng có thể chữa được không? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về căn bệnh này, các dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị hiệu quả, cũng như cách chăm sóc sức khỏe cho những người đang gặp vấn đề này.
Đa nang buồng trứng là gì?
Đa nang buồng trứng (Polycystic Ovary Syndrome – PCOS) là một rối loạn nội tiết phổ biến, chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thường xuất hiện từ cuối tuổi dậy thì đến những năm đầu của độ tuổi 30.
Khoảng 8-13% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên thế giới mắc hội chứng PCOS (1). Ước tính khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi buồng trứng đa nang, con số này đang có xu hướng gia tăng cùng với thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thu – Chuyên gia Hỗ trợ sinh sản Trung tâm IVF Hà Nội:
“Buồng trứng đa nang là tình trạng số lượng nang trứng rất nhiều nhưng rụng trứng phóng noãn không đều, rụng trứng phóng noãn thưa hay còn gọi là rối loạn rụng trứng. Điều đó dẫn đến tình trạng vô sinh ở người phụ nữ.”
Sự phát triển của nhiều nang nhỏ trong buồng trứng khiến cho các nang trứng không thể phát triển đầy đủ và rụng như bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt và giảm khả năng thụ thai. PCOS không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như béo phì, tiểu đường type 2, huyết áp cao và bệnh tim mạch.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng đa nang vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng một số yếu tố dưới đây được xác định là đóng vai trò quan trọng.
- Rối loạn chuyển hóa Insulin: Những người bị buồng trứng đa nang cơ thể thường không thể sử dụng insulin hiệu quả, dẫn đến tình trạng insulin cao trong máu. Điều này có thể thúc đẩy buồng trứng sản xuất nhiều testosterone hơn, làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về da, tóc và khả năng sinh sản.
- Yếu tố di truyền: Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều thế hệ trong một gia đình. Những phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái bị PCOS có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Đối tượng dễ mắc buồng trứng đa nang bao gồm:
- Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc PCOS hoặc rối loạn nội tiết:
Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng. Nếu mẹ hoặc chị em gái bị PCOS, khả năng mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn so với người khác. - Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì:
Tình trạng thừa cân, đặc biệt là khi mỡ tích tụ nhiều ở vùng bụng, gây rối loạn chuyển hóa insulin – yếu tố then chốt dẫn đến PCOS. - Phụ nữ có lối sống ít vận động:
Thiếu tập thể dục làm giảm khả năng điều tiết insulin, khiến cơ thể dễ bị mất cân bằng nội tiết tố và làm tăng nguy cơ mắc PCOS. - Phụ nữ có tiền sử rối loạn kinh nguyệt:
Những người có chu kỳ kinh không đều, vô kinh, hoặc chu kỳ dài trên 35 ngày có nguy cơ cao phát triển hội chứng buồng trứng đa nang. - Người mắc rối loạn chuyển hóa:
Những người có bệnh lý như kháng insulin, tiểu đường type 2, hoặc hội chứng chuyển hóa (béo phì, tăng huyết áp, cholesterol cao) dễ bị PCOS. - Phụ nữ có chế độ ăn uống không lành mạnh:
Tiêu thụ quá nhiều đường, thức ăn nhanh, và tinh bột tinh chế làm tăng nguy cơ rối loạn insulin và mất cân bằng hormone, góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc PCOS. - Người gặp căng thẳng kéo dài:
Stress mãn tính có thể gây mất cân bằng hormone, từ đó làm trầm trọng thêm các yếu tố dẫn đến PCOS.
Buồng trứng đa nang và u nang buồng trứng là hai tình trạng khác nhau nhưng đều ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Đa nang buồng trứng (PCOS) là một hội chứng liên quan đến rối loạn nội tiết, khiến buồng trứng có nhiều nang nhỏ không phát triển đầy đủ, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, rối loạn rụng trứng và nguy cơ vô sinh. Trong khi đó, u nang buồng trứng là các khối nang chứa dịch hoặc chất rắn, có thể hình thành trên hoặc bên trong buồng trứng. U nang thường lành tính, nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể gây đau, vỡ hoặc xoắn buồng trứng, đòi hỏi can thiệp y tế. Việc nhận biết và điều trị sớm cả hai bệnh lý này rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe sinh sản và toàn diện của phụ nữ.
Dấu hiệu buồng trứng bị đa nang
Hội chứng đa nang buồng trứng thường biểu hiện qua các triệu chứng khá đa dạng, nhưng tùy từng người có thể có những biểu hiện riêng. Dưới đây là những dấu hiệu buồng trứng đa nang điển hình:
- Rối loạn kinh nguyệt:
Kinh nguyệt không đều, chu kỳ kinh dài trên 35 ngày hoặc không có kinh trong thời gian dài là dấu hiệu có nhiều nang trong buồng trứng điển hình. Điều này xảy ra do rối loạn rụng trứng
- Khó mang thai:
Buồng trứng bị đa nang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh nữ. Khoảng 70-80% phụ nữ mắc PCOS gặp khó khăn trong việc thụ thai tự nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn hoặc không rụng trứng. (2)
- Tăng cân khó kiểm soát:
Những người phụ nữ bị PCOS thường gặp tình trạng tăng cân nhanh, đặc biệt ở vùng bụng và rất khó giảm cân dù có ăn kiêng và tập luyện đều đặn.
- Tăng mọc lông trên cơ thể, tóc rụng nhiều:
Lông mọc nhiều hơn bình thường, đặc biệt ở vùng mặt, ngực, lưng, hoặc bụng, do cơ thể sản xuất dư thừa hormone nam (androgen). Ngược lại với lông, tóc bị rụng tóc kiểu nam giới, rụng nhiều, tóc thưa và hói ở đỉnh đầu.
- Các vấn đề về da:
Khi có nhiều nang trong buồng trứng có thể dẫn đến tình trạng mụn trứng cá kéo dài tại các vùng mặt, lưng và ngực. Ngoài ra, da có thể trở nên sẫm màu hoặc có những vùng da dày ở cổ, nách hoặc háng do kháng insulin.

Bị buồng trứng đa nang có nguy hiểm không?
Bị đa nang buồng trứng có thai được không?
Đa nang buồng trứng gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản do sự rối loạn rụng trứng hoặc không rụng trứng. Tuy nhiên phụ nữ vẫn có thể mang thai và làm mẹ mặc dù tỷ lệ sẽ thấp hơn bình thường. Với sự hỗ trợ của y học hiện đại, các phương pháp như: IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung), IVF( thụ tinh trong ống nghiệm) mang lại hy vọng lớn cho các cặp vô sinh hiếm muộn do người vợ bị buồng trứng đa nang.
Đa nang thì có rụng trứng không?
Quá trình rụng trứng ở người bị PCOS thường bị gián đoạn hoặc không xảy ra do sự mất cân bằng hormone, đặc biệt là sự gia tăng bất thường của hormone androgen. Điều này khiến trứng không phát triển đầy đủ để rụng, dẫn đến tình trạng vô sinh hoặc hiếm muộn. Việc điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc điều chỉnh hormone hoặc các biện pháp kích thích rụng trứng, giúp cải thiện khả năng sinh sản.
Buồng trứng bị đa nang không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được kiểm soát đúng cách. Dưới đây là những nguy cơ tiềm ẩn của hội chứng này:
- Bệnh lý chuyển hóa: Người mắc PCOS có nguy cơ cao bị tiểu đường loại 2 do kháng insulin, đi kèm với tình trạng béo phì và cao huyết áp, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Những phụ nữ bị PCOS có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 2-3 lần và có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao hơn so với người không mắc. (3)
- Rối loạn nội tiết và ung thư: Sự rối loạn hormone estrogen và progesterone dẫn đến tình trạng niêm mạc tử cung không bong đều đặn, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
- Vấn đề tâm lý: Các triệu chứng kéo dài như rối loạn kinh nguyệt, mụn trứng cá, hoặc rụng tóc có thể gây lo âu, trầm cảm, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Biến chứng khi mang thai: PCOS làm tăng nguy cơ tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, hoặc sinh non nếu người bệnh mang thai mà không được theo dõi và điều trị cẩn thận.
Việc phát hiện và điều trị kịp thời không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn giảm nguy cơ các biến chứng lâu dài cho người bệnh. Chị em nên thăm khám sớm khi có các dấu hiệu bất thường để nhận được tư vấn phù hợp.
Cách chữa đa nang buồng trứng
Việc điều trị đa nang buồng trứng (PCOS) phụ thuộc và mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như các triệu chứng đi kèm cùng mục tiêu điều trị. Mục tiêu điều trị ở đây có thể là: cải thiện khả năng sinh sản, điều hòa kinh nguyệt hay giảm biến chứng lâu dài của bệnh.
Dưới đây là những phương pháp điều trị buồng trứng đa nang phổ biến:
Điều trị nội khoa
1. Điều hòa kinh nguyệt
Sử dụng thuốc tránh thai kết hợp (có estrogen và progestin) để điều hòa kinh nguyệt, giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Hoặc sử dụng thuốc progestin đơn lẻ (dạng uống hoặc tiêm) nếu không thể dùng estrogen.
Giám đốc Trung tâm Hiếm muộn & Y học giới tính – ThS.Bs Nguyễn Duy Phương cho biết:
“Trước đây và kể cả bây giờ thuốc tránh thai kết hợp vẫn thường được sử dụng cho những trường hợp mất kinh, nhưng nó không có tác dụng giúp trứng rụng. Nếu lạm dụng thuốc tránh thai kết hợp trong thời gian dài có thể gây ra một số biến chứng như: tăng cân tích nước, khó đáp ứng với thuốc kích thích rụng trứng. Vì vậy chúng tôi khuyên không nên dùng thuốc tránh thai kết hợp cho bệnh nhân bị đa nang buồng trứng và khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ.”
2. Kích thích rụng trứng
Dưới đây là một số loại thuốc sử dụng để kích thích rụng trứng cho phụ nữ bị đa nang buồng trứng:
- Thuốc clomiphene citrate: Thường được sử dụng đầu tiên để kích thích buồng trứng rụng trứng.
- Letrozole: Một lựa chọn khác, đặc biệt hiệu quả ở những người có kháng insulin.
- Gonadotropin: Dùng khi các thuốc khác không hiệu quả.
3. Điều trị kháng insulin
Sử dụng thuốc Metformin để hỗ trợ kiểm soát đường huyết, cải thiện chu kỳ kinh nguyệt và tăng cơ hội rụng trứng.
4. Điều trị triệu chứng khác
Để điều trị các vấn đề như rậm lông, mụn trứng cá có thể sử dụng thuốc chống androgen.
Tuy nhiên để mà nói về vấn đề đa nang buồng trứng có chữa được không? ThS.Bs Nguyễn Duy Phương cho biết:
“Không có loại thuốc nào có thể điều trị đa nang buồng trứng thành nang trứng bình thường cả. Đa nang gây mất kinh có thể dùng thuốc để điều hòa kinh nguyệt, trứng không rụng có thể sử dụng thuốc kích trứng,… Nhưng, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, bất kỳ một loại thuốc nào sử dụng cần được thăm khám và chỉ định từ bác sĩ.”
Phẫu thuật đa nang buồng trứng
Một trong những phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng cho các bệnh nhân đa nang buồng trứng là phẫu thuật nội soi buồng trứng, hay còn gọi là đốt điểm buồng trứng (Ovarian Drilling).
Đây là một thủ thuật sử dụng sóng điện cao tần để tạo các lỗ nhỏ trên bề mặt buồng trứng, giúp giảm nồng độ hormone androgen và kích thích quá trình rụng trứng tự nhiên.
Phương pháp này có thể giúp cải thiện khả năng rụng trứng ở phụ nữ bị PCOS mà không cần dùng thuốc hormone lâu dài. Tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ được chỉ định khi các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc người bệnh không đáp ứng với thuốc kích thích rụng trứng. Ngoài ra, phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng, làm giảm số lượng trứng trong tương lai.
Hỗ trợ sinh sản cho người bị buồng trứng đa nang
Những ai bị đa nang buồng trứng và đang gặp khó khăn trong việc mang thai tự nhiên thì cũng đừng quá lo lắng. Bạn vẫn có cơ hội mang thai và làm mẹ, chỉ là tỷ lệ đậu thai thấp hơn bình thường.
Nếu như đang mong con bạn có thể rút ngắn thời gian điều trị bằng cách sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại như IUI, IVF hay ICSI.
Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)
Sau khi đã kích trứng người phụ nữ có thể sử dụng phương pháp Bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Tinh trùng sau khi đã được lọc rửa được bơm trực tiếp vào tử cung, giúp tăng khả năng gặp gỡ giữa trứng và tinh trùng.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp với những trường hợp nhẹ hoặc chưa có biến chứng nghiêm trọng.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Đa nang buồng trứng có làm IVF được không? Với hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được coi là phương pháp hỗ trợ sinh sản tối ưu, đặc biệt đối với những trường hợp rối loạn rụng trứng không điển hình, khiến việc xác định chính xác thời điểm rụng trứng gần như không thể.
Trong những tình huống này, IVF mang lại lợi thế vượt trội nhờ quy trình kiểm soát toàn diện, từ kích thích buồng trứng để tạo nhiều trứng đến việc theo dõi và chọn lọc phôi chất lượng cao, trước khi chuyển vào tử cung.
Ngoài ra, IVF còn cho phép bác sĩ tối ưu hóa khả năng thụ thai bằng cách loại bỏ các yếu tố bất lợi như tinh trùng yếu, trứng chất lượng kém, hay các vấn đề về nội tiết không ổn định. Đặc biệt, với những người bị PCOS nghiêm trọng hoặc đã thất bại với các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), IVF mang đến cơ hội thành công cao hơn.

Trung tâm Hiếm muộn & Y học giới tính – Bệnh viện Đa khoa Hà Nội – nơi điều trị thành công hơn 6000 ca IVF, trong đó có rất nhiều trường hợp vô sinh ở nữ với các bệnh lý như buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, suy buồng trứng, tắc ống dẫn trứng…
Với tỷ lệ thành công lên đến 86%, IVF Hà Nội là địa chỉ uy tín TOP đầu miền Bắc, được các cặp vợ chồng hiếm muộn lâu năm từ khắp mọi miền đặt niềm tin và đồng hành cho hành trình mong con.
Chi phí điều trị đa nang buồng trứng
Chi phí điều trị đa nang buồng trứng còn tùy thuộc vào phương pháp điều trị và thời gian điều trị bệnh.
- Điều trị nội khoa
Dùng thuốc kích thích rụng trứng hoặc điều hòa kinh nguyệt: dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng tùy loại thuốc và thời gian sử dụng.
Thuốc kháng insulin như metformin: thường được kết hợp để cải thiện kháng insulin, giá thành dao động khoảng 200.000 – 500.000 đồng/tháng. - Can thiệp ngoại khoa:
Phẫu thuật nội soi buồng trứng có mức chi phí khoảng 10 – 30 triệu đồng tùy vào cơ sở y tế thực hiện. - Hỗ trợ sinh sản:
Kích thích buồng trứng hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI): chi phí dao động từ 5 – 15 triệu đồng/lần.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): chi phí có thể lên tới 70 – 150 triệu đồng/lần tùy tình trạng bệnh, các dịch vụ đi kèm cũng như cơ sở y tế thực hiện.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn như: gói trả góp lãi suất 0%, trọn gói thủ thuật IVF 23tr400, hỗ trợ chi phí đi lại, tặng voucher 5 triệu đồng, miễn phí các gói thăm khám và xét nghiệm đầu vào…
Đặc biệt, với những ca khó bệnh lý phức tạp thất bại nhiều lần, bệnh viện cũng có nhiều gói ưu đãi để các gia đình sớm chạm đến ước mơ làm cha làm mẹ với mức chi phí tối ưu nhất.
Cách chăm sóc người bị buồng trứng đa nang
Việc chăm sóc người bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cần kết hợp giữa thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất để kiểm soát các triệu chứng cũng như giảm nguy cơ các biến chứng liên quan.
Thực đơn cho người bị đa nang buồng trứng
Một chế độ ăn uống cân đối có thể cải thiện đáng kể tình trạng PCOS:
Thực phẩm nên ăn:
- Rau xanh và trái cây: Các loại rau như cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh rất giàu chất xơ, giúp kiểm soát đường huyết.
- Cá hồi và các loại cá béo: Chứa axit béo omega-3 giúp giảm viêm và cân bằng hormone.
- Ngũ cốc nguyên cám: Yến mạch, quinoa, gạo lứt cung cấp năng lượng lâu dài và ổn định đường huyết.
- Các loại hạt và đậu: Hạt chia, hạt óc chó, hạnh nhân giàu chất béo lành mạnh và protein thực vật.
Thực phẩm nên tránh:
- Đồ ăn nhanh: Gà rán, khoai tây chiên chứa nhiều chất béo bão hòa và tinh bột tinh chế.
- Thực phẩm nhiều đường: Bánh kẹo, đồ uống có ga dễ làm tăng đường huyết đột ngột.
- Chất béo xấu: Margarine, mỡ động vật, thực phẩm chiên đi chiên lại.
Đa nang buồng trứng thử thai 2 vạch là trường hợp hiếm nhưng cũng không phải không thể xảy ra. Người phụ nữ bị đa nang buồng trứng khi mang thai cần có chế độ chăm sóc đặc biệt để bảo vệ sức khỏe của cả hai mẹ con. Một số điều cần lưu ý bao gồm: Kiểm soát đường huyết, theo dõi nguy cơ tiền sản giật, duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung dưỡng chất và khám thai định kỳ. Thai phụ bị đa nang buồng trứng cần giữ liên lạc chặt chẽ với bác sĩ và tuân thủ các chỉ dẫn y khoa sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát tốt tình trạng PCOS và có một thai kỳ an toàn.
Cách giảm cân cho người bị đa nang buồng trứng
Giảm cân là một phần quan trọng trong quản lý PCOS, giúp cải thiện sự nhạy cảm với insulin và khôi phục quá trình rụng trứng.
Chế độ tập luyện:
- Các bài tập như yoga, đi bộ nhanh, bơi lội, hoặc aerobic nhẹ nhàng không chỉ hỗ trợ giảm cân mà còn giảm căng thẳng.
- Tập luyện sức mạnh: Tăng cường cơ bắp giúp cải thiện tỷ lệ trao đổi chất.
Thói quen ăn uống:
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày để duy trì mức năng lượng ổn định.
- Ưu tiên thực phẩm giàu protein (thịt gà, cá, trứng) và chất xơ (rau củ, ngũ cốc nguyên cám) để giảm cảm giác đói.
- Uống đủ nước và tránh ăn vặt không lành mạnh.
Câu hỏi thường gặp
- Đa nang buồng trứng có làm IVF được không?
Có. IVF là phương pháp hiệu quả cho phụ nữ bị đa nang buồng trứng, đặc biệt khi rối loạn rụng trứng cản trở khả năng thụ thai tự nhiên. - Bị đa nang buồng trứng có nên uống vitamin E?
Có. Vitamin E hỗ trợ cân bằng hormone và cải thiện chất lượng trứng, nhưng cần dùng theo hướng dẫn bác sĩ. - Bị đa nang buồng trứng có nên uống collagen không?
Được. Collagen không ảnh hưởng xấu đến PCOS và còn hỗ trợ da, tóc, móng. Chọn sản phẩm phù hợp và dùng vừa phải. - Đa nang buồng trứng uống sữa đậu nành được không?
Hạn chế. Đậu nành chứa phytoestrogen, có thể ảnh hưởng hormone nếu dùng nhiều. Sử dụng ở mức vừa phải là an toàn. - Đa nang buồng trứng uống nước dừa được không?
Được. Nước dừa giúp bổ sung dưỡng chất và không gây hại nếu uống điều độ, tránh ảnh hưởng đến đường huyết.
Đa nang buồng trứng có thể chữa hoặc kiểm soát nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Chị em cần chú ý đến chế độ ăn uống, tập luyện, và thăm khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe sinh sản và tổng thể. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ tổng đài 0981 500 770 để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn chi tiết.
NGUỒN THAM KHẢO
- Measuring the global disease burden of polycystic ovary syndrome in 194 countries: Global Burden of Disease Study 2017, https://academic.oup.com/humrep/article/36/4/1108/6120666?login=false (29/11/2024)
- The management of anovulatory infertility in women with polycystic ovary syndrome: an analysis of the evidence to support the development of global WHO guidance, https://academic.oup.com/humupd/article/22/6/687/2420598?login=false (29/11/2024)
- Global burden and epidemiological prediction of polycystic ovary syndrome from 1990 to 2019: A systematic analysis from the Global Burden of Disease Study 2019, https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0306991 (29/11/2024)