Skip to main content

Các Xét Nghiệm Trước Khi Làm IVF: Thông Tin Chi Tiết 2024

0
Cập nhật lần cuối: 03/01/2025
Các Xét Nghiệm Trước Khi Làm IVF: Thông Tin Chi Tiết 2024
Các Xét Nghiệm Trước Khi Làm IVF: Thông Tin Chi Tiết 2024

Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là giải pháp hiệu quả cho các cặp vợ chồng đang mong con nhưng gặp khó khăn về khả năng sinh sản.  Một bước quan trọng trước khi bắt đầu IVF chính là thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo tỷ lệ thành công cao nhất. Vậy các xét nghiệm trước khi làm IVF bao gồm những gì? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!

Xét nghiệm IVF là gì? Tại sao cần làm các xét nghiệm trước khi làm IVF

IVF (In Vitro Fertilization), hay còn gọi là thụ tinh trong ống nghiệm, là phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến, giúp các cặp vợ chồng gặp khó khăn về khả năng sinh sản hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ. Quy trình này bắt đầu bằng việc kết hợp trứng và tinh trùng trong môi trường phòng thí nghiệm để tạo thành phôi, sau đó chuyển phôi vào tử cung của người phụ nữ để phát triển thành thai nhi.

ivf- thụ tinh trong ống nghiệm
ivf- thụ tinh trong ống nghiệm

 

Xét nghiệm IVF là các kiểm tra y tế được thực hiện trước khi bắt đầu quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để đánh giá sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Những xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định tình trạng dự trữ buồng trứng, chất lượng tinh trùng, mức hormone, và các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.

Các xét nghiệm trước khi làm IVF được xem là bước chuẩn bị không thể thiếu, giúp tối ưu hóa tỷ lệ thành công của phương pháp này.

  • Xác định nguyên nhân hiếm muộn: Đánh giá các yếu tố có thể gây khó khăn trong quá trình thụ thai tự nhiên, chẳng hạn như chất lượng tinh trùng, tình trạng buồng trứng hay các bệnh lý tiềm ẩn.
  • Đánh giá sức khỏe tổng quát và sinh sản: Kiểm tra các chỉ số sức khỏe quan trọng của cả hai vợ chồng, từ đó đảm bảo rằng cơ thể họ đủ điều kiện để thực hiện IVF.
  • Tối ưu hóa khả năng thụ tinh và phát triển phôi: Cung cấp thông tin quan trọng để bác sĩ lên kế hoạch điều trị phù hợp, từ việc lựa chọn phác đồ kích thích buồng trứng đến cách xử lý và nuôi cấy phôi.

Nếu các cặp vợ chồng chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết trước khi bắt đầu, tỷ lệ thành công của các ca IVF có thể tăng lên đáng kể. Ngoài ra việc chuẩn bị cẩn thận còn giúp giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình mang thai và sinh nở.

Tim hiểu thêm về các bệnh lý ivf:  Dính Buồng Tử Cung Có Làm IVF Được Không?

Danh sách các xét nghiệm trước khi làm IVF cần thiết

Các xét nghiệm trước khi làm IVF cho nam giới

Xét nghiệm tinh dịch đồ

Xét nghiệm tinh dịch đồ là một trong những xét nghiệm cơ bản và quan trọng nhất đối với nam giới trước khi thực hiện IVF. Mục đích của xét nghiệm này là để đánh giá số lượng, chất lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng.

Xét nghiệm tinh dịch đồ
Xét nghiệm tinh dịch đồ

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tiêu chuẩn phân tích tinh dịch bình thường bao gồm:

  • Số lượng tinh trùng: ≥15 triệu/mL.
  • Khả năng di động: Tối thiểu 32% (progressive motility).
  • Hình dạng bình thường: ≥4% theo phân tích hình thái tinh trùng​. (1)

Kết quả từ xét nghiệm tinh dịch đồ sẽ giúp bác sĩ xác định liệu có vấn đề nào về khả năng sinh sản của nam giới hay không, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp. Nếu tinh trùng có vấn đề về số lượng hoặc khả năng di chuyển, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp như ICSI (tiêm tinh trùng vào trứng) trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Các xét nghiệm trước khi làm IVF cho nữ giới

1. Xét nghiệm nội tiết tố

Xét nghiệm AMH là gì?

Xét nghiệm AMH (Anti-Müllerian Hormone) là một xét nghiệm máu đo nồng độ hormone AMH, một chỉ số quan trọng trong việc đánh giá khả năng sinh sản của phụ nữ. AMH phản ánh khả năng dự trữ buồng trứng, giúp bác sĩ biết được số lượng trứng có thể kích thích trong một chu kỳ IVF.

Xét nghiệm AMH vào thời điểm nào?

Xét nghiệm AMH có thể được thực hiện vào bất kỳ ngày nào trong chu kỳ kinh nguyệt, vì mức độ AMH ít thay đổi theo chu kỳ. Điều này giúp bệnh nhân dễ dàng lên lịch xét nghiệm mà không cần phải lo lắng về việc lựa chọn thời điểm trong chu kỳ.

Kết quả xét nghiệm AMH cho biết điều gì?

Kết quả xét nghiệm AMH cho biết mức độ dự trữ buồng trứng của phụ nữ:

  • AMH từ 2-6 ng/mL: Dự trữ buồng trứng tốt, khả năng thụ thai cao.
  • AMH dưới 1 ng/mL: Dự trữ buồng trứng thấp, có thể cần can thiệp sớm hoặc sử dụng phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản.
  • AMH trên 10 ng/mL: Có nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Chỉ số xét nghiệm AMH
Chỉ số xét nghiệm AMH

 

Xét nghiệm AMH bao lâu có kết quả?

Kết quả xét nghiệm AMH thường có sau 1-2 ngày, giúp bác sĩ đưa ra các quyết định lâm sàng kịp thời về phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Ngoài ra còn có Xét nghiệm E2 (Estradiol) đo nồng độ estrogen trong máu và giúp đánh giá chức năng của buồng trứng. Xét nghiệm này thường được thực hiện vào ngày thứ 2-3 của chu kỳ kinh nguyệt để xác định tình trạng kích thích buồng trứng và chuẩn bị cho quá trình IVF.

2. Xét nghiệm miễn dịch

  • Xét nghiệm NK trong IVF là gì?

Xét nghiệm tế bào NK (Natural Killer) được sử dụng để kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể đối với các phôi thai sau khi chuyển phôi trong IVF. Tế bào NK quá cao có thể gây ra hiện tượng thải loại phôi, làm giảm tỷ lệ thành công của IVF. Việc kiểm tra và điều trị các vấn đề miễn dịch có thể giúp nâng cao tỷ lệ thành công trong việc mang thai.

  • Xét nghiệm IGG đo lượng kháng thể trong máu, giúp phát hiện các yếu tố miễn dịch có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và giữ phôi. Những kháng thể này có thể tác động đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là trong các trường hợp sẩy thai liên tục hoặc các vấn đề liên quan đến miễn dịch.

3. Xét nghiệm di truyền

Xét nghiệm WES (Whole Exome Sequencing) là một kỹ thuật phân tích toàn bộ bộ gen để phát hiện các đột biến di truyền có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Phương pháp này giúp phát hiện các gen bất thường và ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh, đặc biệt hữu ích trong trường hợp vợ chồng có tiền sử di truyền.

Khoảng 5–10% các trường hợp vô sinh liên quan đến bất thường di truyền, trong đó nổi bật là đột biến gen CFTR (Cystic Fibrosis Transmembrane Conductance Regulator) và bất thường nhiễm sắc thể (2). Việc thực hiện xét nghiệm này có thể giúp các cặp vợ chồng chuẩn bị tốt hơn cho việc mang thai và hạn chế các nguy cơ sức khỏe cho thai nhi.

Các xét nghiệm cần làm khác đối với cả hai vợ chồng

  • Xét nghiệm máu tổng quát: Xét nghiệm này giúp kiểm tra các chỉ số sức khỏe cơ bản như đường huyết, chức năng gan thận, và đánh giá tổng thể tình trạng sức khỏe của cả vợ và chồng.
  • Xét nghiệm bệnh lây nhiễm (HIV, viêm gan B, C): Đây là những xét nghiệm quan trọng để đảm bảo rằng không có bệnh lây nhiễm nào ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc sức khỏe của thai nhi. Những bệnh này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng trong quá trình mang thai.

Quy trình chuẩn bị làm xét nghiệm trước khi làm IVF

Quá trình chuẩn bị làm IVF rất quan trọng. Việc chủ động chuẩn bị trước khi đi khám hiếm muộn sẽ giúp hai vợ chồng đảm bảo các bước kiểm tra được thực hiện chính xác, nhanh chóng, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả của toàn bộ quy trình điều trị.

  • Tìm hiểu và chọn cơ sở y tế uy tín: Lựa chọn bệnh viện hỗ trợ sinh sản uy tín với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và các thiết bị y tế hiện đại. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng xét nghiệm và kết quả điều trị.
  • Chuẩn bị về sức khỏe: Đảm bảo cơ thể trong tình trạng tốt nhất. Cả vợ và chồng nên ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng ổn định, tránh sử dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá. Một số bác sĩ khuyến khích bổ sung axit folic trước IVF để giảm nguy cơ dị tật thai nhi.
  • Kiểm tra thông tin và yêu cầu từ bác sĩ: Mỗi xét nghiệm sẽ có yêu cầu cụ thể, như nhịn ăn trước khi lấy máu hoặc thực hiện vào thời điểm nhất định trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Giữ tâm lý thoải mái: Quy trình IVF có thể kéo dài và đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn. Việc chuẩn bị tinh thần tốt sẽ giúp bạn vượt qua các giai đoạn này dễ dàng hơn.
Quy trình chuẩn bị làm xét nghiệm trước khi làm IVF
Quy trình chuẩn bị làm xét nghiệm trước khi làm IVF

 

Thời điểm xét nghiệm phù hợp

Thời điểm thực hiện các xét nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác của kết quả. Dưới đây là một số lưu ý về thời điểm xét nghiệm:

  • Xét nghiệm nội tiết tố: Như AMH hoặc E2 thường được thực hiện vào ngày 2-3 của chu kỳ kinh nguyệt để đo lường chính xác tình trạng buồng trứng.
  • Xét nghiệm miễn dịch và di truyền: Không phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt, nhưng cần được thực hiện trước khi bắt đầu quá trình kích thích buồng trứng.
  • Xét nghiệm tinh dịch đồ: Nam giới cần kiêng xuất tinh từ 2-7 ngày trước khi làm xét nghiệm để có kết quả chính xác nhất.

Ngoài ra bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ để sắp xếp thời gian hợp lý cho tất cả các xét nghiệm.

>> Xem thêm:  Đi Khám Hiếm Muộn Có Cần Giấy Đăng Ký Kết Hôn Không?

Kết quả xét nghiệm AMH, E2, NK và ý nghĩa trong IVF

  • AMH (Anti-Müllerian Hormone):
    AMH là chỉ số quan trọng đánh giá dự trữ buồng trứng. Mức AMH lý tưởng dao động từ 2-4 ng/mL. Kết quả xét nghiệm AMH cao cho thấy buồng trứng còn nhiều trứng, thuận lợi cho IVF. Nếu AMH thấp (dưới 1 ng/mL), bạn có thể cần hỗ trợ kích thích buồng trứng để đảm bảo có đủ số lượng trứng cho chu kỳ điều trị.
  • E2 (Estradiol):
    Mức E2 được theo dõi trong suốt chu kỳ để xác định thời điểm rụng trứng. Vào ngày kích trứng hoặc giữa chu kỳ, mức E2 tăng cao là tín hiệu cho thấy buồng trứng đang phản ứng tốt với phác đồ điều trị. Tuy nhiên, E2 quá cao có thể gây nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS), cần được kiểm soát chặt chẽ.
  • NK (Natural Killer Cells):
    NK là tế bào miễn dịch có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, mức NK cao bất thường trong IVF có thể gây cản trở quá trình làm tổ của phôi. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp miễn dịch để điều chỉnh.

Bác sĩ Phạm Ngọc Minh, Chuyên gia hỗ trợ sinh sản Trung tâm Hiếm muộn & Y học giới tính Hà Nội chia sẻ trong Hội thảo RA MẮT GÓI ĐIỀU TRỊ IVF CARE PLUS TỐI ƯU KẾT QUẢ CHO CÁC BỆNH NHÂN AMH THẤP, LỚN TUỔI SUY BUỒNG TRỨNG (08/2024) :

“Chính việc không hiểu kỹ về xét nghiệm AMH nên khi nhận kết quả thấp các chị bị lo lắng, bị stress dẫn đến trứng không rụng đúng ngày dự kiến, trứng bị giảm chất lượng, đó không phải do AMH. AMH thấp nhưng chất lượng trứng tốt thì không phải là vấn đề lớn trong điều trị IVF. AMH thấp sẽ giúp bác sĩ đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp nhất với chỉ số dự trữ buồng trứng của bệnh nhân.”

Bởi vậy, việc hiểu rõ ý nghĩa của các kết quả xét nghiệm không chỉ giúp bạn nắm bắt tình trạng sức khỏe mà còn tăng khả năng phối hợp với bác sĩ để tối ưu hóa quy trình điều trị IVF. Nếu kết quả xét nghiệm bất thường, bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra hướng xử lý phù hợp. Ví dụ, trong trường hợp trứng tốt, sẽ tiến hành kích trứng, chọc hút trứng làm IVF. Nhưng nếu chất lượng trứng không tốt, không đạt chất lượng có thể xin trứng làm IVF

Tại Trung tâm Hiếm muộn & Y học giới tính, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, các bác sĩ luôn tập trung thăm khám, xét nghiệm kỹ càng ngay từ bước ban đầu để đánh giá sức khỏe sinh sản của hai vợ chồng, từ đó biết được nguyên nhân và đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp. Các gói khám vô sinh hiếm muộn được xây dựng với đầy đủ các bước thăm khám và xét nghiệm cần thiết với nhiều ưu đãi hấp dẫn, tối ưu chi phí làm IVF cũng như các dịch vụ liên quan.

>> Xem thêm: Tụ Dịch Vết Mổ Có Làm IVF Được Không? Giải Đáp Từ Bác Sĩ

Trung tâm cũng chấp nhận kết quả xét nghiệm bệnh nhân làm tại các đơn vị khác, miễn sao từ các kết quả xét nghiệm đó bác sĩ có thể nghiên cứu, đánh giá, đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp và rút ngắn thời gian mong con, hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Liên hệ 1900 234529 để được tư vấn miễn phí, hoặc bạn có thể đến trực tiếp Bệnh viện ĐK Hà Nội tại địa chỉ: 29 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để nhận tư vấn trực tiếp từ các bác sĩ chuyên khoa.

Câu hỏi thường gặp

  1. Chi phí xét nghiệm trước khi làm IVF là bao nhiêu?
    Chi phí dao động từ 3-10 triệu đồng, tùy thuộc vào số lượng và loại xét nghiệm thực hiện. Những xét nghiệm cơ bản như kiểm tra nội tiết tố hoặc tinh dịch đồ thường có mức phí thấp hơn. Tuy nhiên, các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm di truyền (WES), xét nghiệm miễn dịch (NK, IGG), hoặc các xét nghiệm máu đặc biệt có thể tăng thêm chi phí.
  2. Làm xét nghiệm có đau không?
    Hầu hết các xét nghiệm như lấy máu hoặc tinh dịch đồ đều không gây đau, chỉ có cảm giác châm chích nhẹ khi lấy mẫu. Tuy nhiên, nếu cần thực hiện nội soi hoặc các xét nghiệm xâm lấn, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể để đảm bảo quy trình an toàn và thoải mái nhất.
  3. Khi nào nên làm xét nghiệm trước IVF?
    Bạn nên thực hiện các xét nghiệm ngay khi bắt đầu có kế hoạch làm IVF. Đối với phụ nữ, thời điểm tốt nhất để kiểm tra nội tiết tố và dự trữ buồng trứng (AMH, E2) thường vào ngày thứ 2-3 của chu kỳ kinh nguyệt. Nam giới có thể thực hiện tinh dịch đồ và các xét nghiệm liên quan bất cứ lúc nào.

Việc chuẩn bị và thực hiện các xét nghiệm trước khi làm IVF là bước quan trọng để đảm bảo khả năng thành công của quá trình điều trị. Những xét nghiệm này không chỉ giúp đánh giá tình trạng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ mà còn giúp xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để hiểu rõ hơn về các xét nghiệm cần thiết trước khi bước vào hành trình IVF. Chúc các bạn sức khỏe và may mắn trong hành trình tìm kiếm niềm vui làm cha mẹ!

NGUỒN THAM KHẢO

  1. Reports show reference values from the WHO guidelines (2021), https://mft.nhs.uk/saint-marys/services/gynaecology/reproductive-medicine/andrology/reference-ranges/ (10/12/2024)
  2. Review Article on Genetic Causes and Management of Male Infertility, https://tau.amegroups.org/article/view/41235/html (10/12/2024)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận