Skip to main content

Sơ cứu trầy xước giác mạc

0
Cập nhật lần cuối: 06/10/2020

Khi trầy xước giác mạc, nếu không được điều trị đúng cách có thể gây tổn thương giác mạc vĩnh viễn cho người bệnh.

Giác mạc là lớp thủy dịch trong suốt nằm ngoài cùng của nhãn cầu, có vai trò như tấm chắn bảo vệ, đồng thời kết hợp với thủy tinh thể và đồng tử tập trung ánh sáng từ hình ảnh truyền đến võng mạc bên trong nhãn cầu. 

Trầy xước giác mạc là tình trạng bề mặt giác mạc có vết trầy xước do dị vật gây ra khiến mắt bị tổn thương và thị lực bị ảnh hưởng. 

Nguyên nhân bị trầy xước giác mạc 

Trầy xước giác mạc có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào và trong bất kỳ hoạt động thường ngày như vận động, đi đường, sửa chữa hoặc thậm chí vô tình chạm mạnh tay vào giác mạc. Khi dị vật như bụi, hạt cát bám lâu ở mí mắt có thể gây ra vết trầy ở giác mạc khi bạn chớp mắt. Khói thuốc lá, đeo kính áp tròng trong một thời gian dài, chà xát mắt hoặc khô mắt kéo dài có thể gây ra trợt biểu mô giác mạc. 

Ảnh: Trầy xước giác mạc khiến mắt đau và nhạy cảm với ánh sáng.

Dấu hiệu bị trầy xước giác mạc 

Khi xuất hiện dị vật ở giác mạc, mắt có biểu hiện đỏ, đau và trở nên nhạy cảm với ánh sáng, mắt tạm thời bị nhòe, không nhìn rõ. Nếu có vết trầy ở giác mạc, người bệnh thường cảm thấy: 

  • Mắt nhạy cảm như có cát bên trong, kích ứng, đỏ hoặc chảy nước mắt. 
  • Tùy thời gian và tình trạng viêm do dị vật có thể gây giảm thị lực. 
  • Khó mở mắt. 
  • Nhiều trường hợp bệnh nhân còn bị đau đầu. 

Cần làm gì khi bị trầy xước giác mạc? 

Trong trường hợp bị trầy xước giác mạc, bạn cần phải đi khám bác sĩ kịp thời. Các bước bạn nên làm ngay sau khi bị trầy xước giác mạc là: 

  • Rửa mắt bằng nước sạch (tốt nhất là bằng dung dịch muối sinh lý nếu có) Dùng cốc rửa mắt hoặc cốc thuỷ tinh nhỏ, sạch, đặt rìa mép cốc tì vào xương hốc mắt. Nếu nơi làm việc của bạn có nơi rửa mắt, hãy tận dụng nó. Rửa mắt có thể lấy đi các dị vật ra khỏi mắt. 
  • Nháy mắt nhiều lần Động tác này giúp loại bỏ những vật nhỏ như bụi hoặc cát. 
  • Kéo mi mắt trên qua mi mắt dưới Lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi dị vật nằm ở bề mặt dưới của mi mắt trên. 
  • Nếu bạn hoặc người xung quanh nhìn thấy có vật lạ nằm trên phần tròng trắng của mắt thì hãy dùng khăn giấy mềm hoặc que tăm bông khều nó ra một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, đối với vật lạ nằm ngay trên giác mạc (trước phần tròng đen của mắt) bạn đừng đụng đến nó vì động tác lấy ra của mình có thể sẽ làm tổn thương giác mạc trầm trọng hơn. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn không thể tự lấy được vật lạ ra khỏi mắt hoặc trong trường hợp bạn biết có vật lạ trong mắt mà không xác định chính xác được. 

Ảnh 2: Nhỏ mắt là việc nên làm trong quá trình sơ cứu trầy xước giác mạc.

Những việc cần tránh khi trầy xước giác mạc

Hãy chú ý tránh những động tác sau có thể làm vết thương thêm trầm trọng: 

  • Không nên cố lấy dị vật đã cắm vào nhãn cầu. Cũng nên tránh cố lấy dị vật lớn gây khó nhắm mắt. 
  • Không nên dụi mắt sau khi bị thương. Đụng hoặc ấn vào mắt có thể làm vết trầy xước giác mạc trầm trọng thêm. 
  • Không đụng vào nhãn cầu bằng gạc bông, nhíp hay bất cứ dụng cụ nào. Điều này có thể làm vết trầy xước giác mạc trầm trọng thêm. Xước giác mạc nhẹ thường tự khỏi trong vòng từ 24 giờ đến 48 giờ. 

Điều trị trầy xước giác mạc như thế nào? 

Bệnh nhân sẽ được đánh giá tổn thương và xác định còn có vật lạ nào nằm dưới mi mắt không. Bác sĩ sẽ dùng một loại thuốc nhuộm màu vàng cam phết lên mắt bệnh nhân để xác định chính xác vết trầy. Sau đó, người bệnh có thể được kê toa thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt. Thông thường những vết trầy nhỏ sẽ lành trong vòng 1 – 3 ngày và có thể sẽ tái khám vào ngay ngày hôm sau nếu cần thiết.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận