Nội soi đại tràng là phương pháp được áp dụng khá phổ biến trong phát hiện các vấn đề bệnh lý đại tràng… Vậy ai cần nội soi đại tràng? Cần làm gì trước khi nội soi đại tràng? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết sau.
1. Ai cần nội soi đại tràng?
Nội soi đại tràng là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ dùng một sống nội soi đưa qua ngả hậu môn lên đại tràng để khảo sát các bệnh lý của đại tràng.
Những người có các vấn đề về đường tiêu hóa, ví dụ những rối loạn đi tiêu như táo bón kéo dài, tiêu chảy kéo dài, những thay đổi về tính chất phân như đi phân đàm máu, tiêu phân đen hoặc đau bụng kéo dài không tìm được nguyên nhân, có các bệnh lý viêm loét đại tràng đã được tầm soát trước đây… nên nội soi đại tràng.
Với những người khỏe mạnh không có dấu hiệu bất thường vẫn có thể tầm soát bệnh lý đường tiêu hóa sớm từ sau 40 tuổi, đặc biệt là những người có tiền căn gia đình mắc bệnh lý ác tính ở dạ dày, đại tràng, trực tràng… những nhóm người này nên tầm soát sớm từ 35 tuổi.
2. Hiểu rõ về nội soi đại tràng gây mê và không gây mê
Có hai cách thực hiện nội soi đại tràng bao gồm: nội soi đại tràng có gây mê (nội soi đại tràng không đau) hoặc nội soi đại tràng không gây mê.
Những nhóm người không chống chỉ định gây mê, không dị ứng thuốc gây mê, không có các bệnh lý cấp tính để chống chỉ định nội soi đại tràng đều có thể thực hiện cả hai phương pháp này.
Trong đó, nội soi đại tràng gây mê làm cho người bệnh thấy dễ chịu, không bị đau trong suốt cuộc soi, giúp bác sĩ thao tác dễ dàng, quan sát rõ ràng và có thể xử lý các tổn thương trong lúc nội soi.
Còn nội soi không gây mê có thể thực hiện nếu bệnh nhân chịu đựng được, trong cuộc soi người bệnh sẽ thấy đầy bụng, chướng hơi, vì thời gian soi đại tràng sẽ dài hơn soi dạ dày, nếu người bệnh không chịu được cảm giác đó rất khó để tiến hành nội soi.
3. Trước khi nội soi đại tràng cần làm gì?
Trước khi soi đại tràng, người bệnh cần làm sạch ruột để quá trình soi tốt hơn.
Với những người không bị táo bón có thể nhịn ăn trước 6-8 tiếng, điều tốt nhất là trước ngày soi bệnh nhân nên ăn những loại đồ ăn nhẹ, dễ tiêu, không ăn nhiều chất xơ, tinh bột, việc này giúp quá trình xổ của ngày nội soi diễn ra nhanh hơn.
Còn đối với những người bị táo bón thường xuyên, người bệnh nên được bác sĩ khám lâm sàng, cho sử dụng thuốc xổ trước khi nội soi để quá trình xổ diễn ra nhanh và dễ dàng hơn.
4. Cần ngưng những loại thuốc nào trước nội soi đại tràng?
Trước khi nội soi đại tràng, những người cần ngưng thuốc đang sử dụng bao gồm: người đang dùng thuốc chống đông máu, thuốc kháng đông ở bệnh nhân tim mạch, theo đó bệnh nhân phải hỏi bác sĩ điều trị để dừng thuốc trước 1 ngày – 1 tuần tùy thuộc vào loại thuốc người bệnh sử dụng.
Bên cạnh đó cần ngưng thuốc điều trị tiểu đường vào ngày nội soi, ngưng thuốc liên quan đến chất sắt trước 5 ngày để không ảnh hưởng đến hình ảnh kết quả nội soi.
Xem thêm: Nhiễm trùng đường ruột bao lâu thì hết? Làm gì để mau hồi phục?