Trước khi phẫu thuật, các bệnh nhân thường được nghe nói đến quy trình khám tiền mê. Vậy khám tiền mê là gì và tại sao khám tiền mê lại vô cùng cần thiết trước các ca phẫu thuật?
Gây mê là phương pháp vô cảm thường được sử dụng trước mỗi ca phẫu thuật. Để đảm bảo bảo kiểm soát tốt nguy cơ phản ứng, dị ứng và sốc phản vệ trong quá trình gây mê, bệnh nhân cần trải qua quy trình khám tiền mê.
Đây là hoạt động bắt buộc đầu tiên trước khi ca mổ được tiến hành. Trên thực tế, các bệnh nhân gặp tình trạng rất căng thẳng trước ca phẫu thuật, nên vai trò của bác sĩ khám tiền mê rất quan trọng để vừa tìm hiểu bệnh, lên kế hoạch gây mê, vừa phải làm cho bệnh nhân hiểu mình cần dùng loại thuốc nào và vì sao. Từ đó, có niềm tin vào bác sĩ cũng như ê kíp mổ, chấp nhận và bớt lo lắng.
Ảnh: Khám tiền mê giúp bệnh nhân bớt lo lắng hơn.
Thông qua thăm khám tiền mê, bác sĩ gây mê sẽ nắm rõ về bệnh sử cũng như cơ địa của bệnh nhân. Các yếu tố cần nắm được bao gồm yếu tố cơ địa của người bệnh như tổng trạng, cân nặng, chiều cao, nghề nghiệp, thói quen hút thuốc, nghiện ma túy, uống rượu bia của họ.
Người bệnh cũng được hỏi về tiền sử dị ứng nhằm xác định chính xác tác nhân và đánh giá mức độ phản ứng có thể ghi nhận được qua những biến đổi trên da như ngứa, mẩn đỏ, mụn nước, bọng nước, sưng phù mặt, mắt, mũi miệng, khó thở, thở rít, trụy mạch…
Bệnh nhân cũng được hỏi các bệnh lý đã và đang mắc, thuốc đang sử dụng để điều trị tình trạng chảy máu, khả năng có thai,… Từ đó, bác sĩ sẽ lên danh sách các loại thuốc có thể dùng được và sự ảnh hưởng của ca phẫu thuật với cơ thể bệnh nhân.
Bước cuối cùng của quá trình thăm hỏi là tiền sử gây mê. Bác sĩ hỏi lại hồ sơ gây mê trước đây của bệnh nhân để xem các kỹ thuật gây mê đã sử dụng có khó khăn gì không, quá trình thông khí và đặt nội khí quản có trở ngại gì không.
Ngoài ra cần ghi nhận các tai biến do gây mê như phản ứng thuốc, nôn ói, chấn thương vùng miệng – hầu, chậm tỉnh,… Hỏi bệnh nhân và người thân trong gia đình về các tai biến do thuốc mê hoặc tê gây ra, tiền sử sốt cao ác tính để dự phòng phương án xử trí.
Ảnh: Khám tiền mê là yếu tố quan trọng của mỗi ca phẫu thuật.
Trước khi bắt đầu gây mê, bác sĩ sẽ tiến hành thêm một số bước khám tổng thể (tình trạng đường thở, tim mạch, hô hấp, thần kinh, dấu hiệu sinh tồn, tình trạng tĩnh mạch: có dễ chích không, các yếu tố ảnh hưởng khả năng thông khí và đặt nội khí quản: độ há miệng, lưỡi, tình trạng răng, cằm, râu, độ gập ngửa cổ, khoảng cách cằm giáp) và làm xét nghiệm cận lâm sàng như công thức máu, nhóm máu, rối loạn đông máu, xét nghiệm sinh hóa, X-quang phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim, men tim, miễn dịch, đo chức năng hô hấp…
Chuẩn bị trước mổ – bao gồm khám tiền mê là một quy trình quan trọng mà các bác sĩ cần thực hiện.Thực hiện tốt công đoạn này sẽ giúp hạn chế nhưng tai biến về gây mê cũng như do phẫu thuật, đồng thời người thầy thuốc có thể dự đoán các biến chứng có thể xảy ra để chuẩn bị và sẵn sàng xử trí, tránh được những tai biến mà có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Do đó, các bệnh nhân cần phối hợp, trả lời trung thực tình trạng và sử bệnh bản thân để bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng của mình.