“Nghề bác sĩ là nghề rất đặc biệt và nguy hiểm”, PGS.TS Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) khẳng định.
Từng bị người nhà bệnh nhân hành hung
Nhiều năm trong nghề, PGS.TS Phạm Duệ không chỉ chứng kiến cảnh người nhà bệnh nhân đập phá khoa phòng mà còn chứng kiến có nhiều bác sĩ bị đập phá cả nhà riêng. Bản thân cũng không ít lần bị hành hung, ông Duệ cho biết: “Tôi đi trực thường xuyên nên thường có mặt trong các vụ đụng chạm. Tôi và ông Sơn- Phó Giám đốc bệnh viện đều đã từng bị đánh, khoa phòng từng bị đập phá rồi”.
PGS.TS Phạm Duệ chia sẻ: “Chuyện bác sĩ bị hành hung rất nhiều nhưng không phải vụ nào cũng lên tiếng mặc dù bị oan uổng kiểu “quýt làm cam chịu”. Gần đây, vụ việc 4 bác sĩ ở Hà Tĩnh bị đánh, đến bây giờ tôi chưa thấy ai bênh vực họ vì theo tôi biết 4 bác sĩ đó làm việc đúng quy trình, không có lỗi gì cả. Vì tiêm, uống thuốc, điều trị một nơi, cấp cứu một nơi, thế nhưng các bác sĩ cấp cứu lại bị người nhà bệnh nhân đánh khi thấy người thân họ không may bị chết”.
Đầy nỗi niềm tâm sự, PGS.TS Phạm Duệ nói: “Tôi thấy thời gian qua hầu như truyền thông chỉ đưa mặt chưa được tốt về ngành y, dư luận đòi hỏi và lên án bác sĩ có phần hơi thái quá! Họ không biết rằng, người dân đang được hưởng sự từ tâm của bác sĩ trong một cơ chế đầu tư khá thấp nhưng y tế Việt Nam vẫn tiến bộ, nhiều dịch bệnh vẫn được khống chế, nhiều thành tựu y tế thế giới được áp dụng cho người dân sớm và kịp thời, tuổi thọ người dân được tăng lên”… Theo ông, khó khăn lớn nhất của các bác sĩ hiện nay đó là sự đòi hỏi cao của xã hội đối với ngành y. “Yêu cầu thì nghiêm khắc, đãi ngộ chưa tương xứng, sự thông cảm gần như không có, nếu bác sĩ sai sót thì có pháp luật xử; Còn việc người dân vào bệnh viện đập phá, đánh bác sĩ thì tôi thấy bác sĩ và gia đình họ chính là người thiệt thòi mà chưa được xử lý kịp thời, công bằng. Thời gian qua, dư luận lên án nhiều, chúng tôi buồn lắm. Nếu không có cái nhìn nhận công bằng, dồn ép họ quá thì sớm muộn gì nhiều bác sĩ cũng sẽ nản. Bác sĩ cũng là con người!”, PGS.TS Duệ thẳng thắn chia sẻ.
Không thể diễn tả hết được bằng lời
Theo PGS.TS Phạm Duệ, ngành chống độc cũng rất đặc thù, các bác sĩ ngành này không thể ra ngoài làm thêm được. Nên họ chỉ làm trong khoa với thu nhập ở mức trung bình. Nhiều khi bệnh nhân thấy bác sĩ trực vất vả nên đưa phong bì cho bác sĩ đi ăn phở nhưng bác sĩ không lấy. “Khi nữ bác sĩ trẻ này kể tôi nghe, tôi đã hỏi lại cô ấy: “Thế cô có muốn lấy không?”. Cô ấy bảo, bệnh nhân nghèo lắm. Khi thấy hai cha con ông ấy chia nhau một chiếc bánh mì thì ai nỡ lấy tiền của họ? Tôi tin các bác sĩ tốt, có tâm, có tự trọng không hề thiếu trong ngành y”.