Trẻ bị nhược thị sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập, sinh hoạt hay vận động. Vậy các bố mẹ nên làm gì?
Nhược thị là hiện tượng suy giảm khả năng hoạt động của các cơ quan thị giác. Khi mắc nhược thị, một mắt hoặc hai mắt người bệnh bị giảm thị lực do não và mắt không phối hợp tốt.
Việc mắc các bệnh về mắt như nhược thị có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của trẻ nhỏ. Nhiều trẻ vì mắc bệnh nhược thị mà không tự tin khi đến trường, tự mặc cảm về bản thân, bị các bạn trêu đùa. Ngoài ra, nó khiến cho các hoạt động sinh hoạt của trẻ hằng ngày trở nên khó khăn hơn.
Ảnh 1: Nhược thị khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập và sinh hoạt, vận động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh nhược thị:
Nhược thị do lé mắt là hình thái nhược thị phổ biến nhất.
Nhược thị do tật khúc xạ bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị và lệch khúc xạ (độ khúc xạ ở hai mắt không bằng nhau). Trong trường hợp tật khúc xạ cao, võng mạc sẽ không nhận được hình ảnh rõ nét làm cho thị lực phát triển bất thường gây nhược thị.
Ngoài ra, bệnh còn do võng mạc không được kích thích. Trong trường hợp này, võng mạc có thể không nhận được kích thích gì vì có sự cản trở đường đi của ánh sáng tới võng mạc, gây ra nhược thị. Loại nhược thị này hay gặp trong sụp mi bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo giác mạc…
Phòng tránh bệnh nhược thị cho trẻ
Để phòng tránh nhược thị cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý trong việc hướng dẫn trẻ sinh hoạt và sử dụng mắt hợp lý để hạn chế nguy cơ suy giảm thị lực do tật khúc xạ, đồng thời qua đó phòng ngừa nhược thị.
- Hướng dẫn trẻ ngồi học đúng cách: thẳng lưng, mắt cách sách vở 30cm, bàn ghế tiêu chuẩn phù hợp độ tuổi, nơi học tập đủ ánh sáng, đèn để phía đối diện với tay cầm bút. Những yếu tố này rất quan trọng đối với mắt trẻ, giúp hạn chế các vấn đề về mắt và không ảnh hưởng đến cột sống của trẻ.
- Không nên cho trẻ xem ti vi, chơi điện tử quá hai giờ liên tục, ánh sáng xanh từ các thiết bị này gây nên các vấn đề về mắt như mỏi điều tiết, khô mắt, nhìn mờ, đau đầu, mắc tật khúc xạ sớm,…
- Không nên cho trẻ đọc sách trên tàu xe, khi nằm ngửa hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng. Các hoạt động này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc tật khúc xạ.
Ảnh 2: Trẻ cần chơi ngoài trời để phòng nhược thị.
- Cho trẻ sinh hoạt ngoài trời ít nhất 2h mỗi ngày để tiếp xúc với thiên nhiên, ánh sáng tự nhiên, kích thích thị giác và thư giãn cho mắt.
- Có chế độ ăn uống điều độ, nhiều chất xơ và vitamin cho cả nhà để góp phần bảo vệ thị lực. Các thực phẩm giàu vitamin A, omega 3 là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho mắt.
- Đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 3- 6 tháng/ lần để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở mắt và điều trị kịp thời.
Theo điều tra của Bệnh viện Mắt trung ương cho thấy, tỷ lệ tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị… ngày càng gia tăng, từ 2,5% trong năm 2002 lên 25%-30% năm 2007, đặc biệt ở trẻ em lứa tuổi đến trường và tập trung ở các đô thị. Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có tới hơn 40% học sinh phổ thông mắc các tật khúc xạ… Do vậy các bậc phụ huynh cần quan tâm và phối hợp đúng mức để gìn giữ cửa sổ tâm hồn cho trẻ được lâu dài.