Thời tiết lạnh trong những ngày Tết, áp lực từ việc dọn dẹp nhà cửa, đi lại nhiều, đi du lịch leo chùa chiền cao, ăn nhiều đồ đạm, uống nhiều rượu bia,… là những yếu tố vô tình tạo áp lực đến xương khớp và sinh ra đau nhức. Tình trạng này sẽ khiến cho nhiều người có tâm lý khó chịu và không có được cái Tết trọn vẹn. Vậy làm cách nào để phòng ngừa cơn đau nhức xương khớp vào mùa Tết? Hãy cùng tham khảo nội dung dưới đây để có được câu trả lời.
1. Tại sao nhiều người dễ bị đau nhức xương khớp mùa Tết?
Không chỉ dịp Tết mà bất cứ thời điểm nào trong năm cũng có thể xuất hiện các cơn đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, Tết là thời điểm thường xuyên khởi phát cơn đau nhức xương khớp vì:
Mưa, lạnh và thời tiết giao mùa là tác nhân chính gây đau nhức xương khớp mùa Tết
– Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cùng với sự thay đổi áp suất không khí, độ ẩm, sức gió,… xảy ra trong những ngày cuối năm có thể thay đổi độ quánh và áp lực của máu cũng như dung môi của cơ thể. Điều này tạo áp lực lên bề mặt sụn khớp, dây chằng và sinh ra cơn đau khớp và đau trên ở da vùng khớp một cách rõ ràng. Mặt khác, Tết còn là thời điểm giao mùa, thường xuất hiện không khí mưa lạnh nên dễ làm nặng mức độ đau xương khớp.
– Áp lực từ công việc dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa, giải quyết công việc cuối năm,… khiến cho nhiều người có các động tác sai tư thế như: đứng/ngồi quá lâu ở một chỗ, ngồi xổm, khom lưng, quỳ gối,… tạo áp lực cho hệ vận động từ đó sinh ra các cơn đau khớp tay chân, khớp gối, đau lưng,… Sự tăng lên đột ngột về cường độ làm việc trước tết cũng làm cho xương khớp bị quá tải và có cơn đau bất thường.
Đặc biệt, những người đã có tiền sử với bệnh xương khớp như: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,… thì các yếu tố trên cũng tác động và khiến cho các triệu chứng đau nhức xương khớp mùa Tết dễ bị kích hoạt, trở nên trầm trọng hơn.
2. Bí quyết phòng ngừa đau nhức xương khớp vào mùa Tết
Tại sao cần phòng ngừa cơn đau nhức xương khớp vào mùa Tết?
Những ngày cuối năm luôn là thời điểm cần hoàn tất rất nhiều công việc. Nếu bỗng nhiên gặp phải vấn đề xương khớp thì chẳng những công tác chuẩn bị tết bị ảnh hưởng mà hiệu quả công việc cũng trì trệ hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc đi du xuân tới những địa điểm chùa chiền, leo nhiều bậc thang, đi lại nhiều,… cũng có thể gây ảnh hưởng đến xương khớp.
Tất cả những hệ lụy sinh ra từ đó làm cho nhiều người không có được một không khí năm mới trọn vẹn bên bạn bè, người thân. Chủ động tìm cách phòng ngừa đau nhức xương khớp mùa Tết là giải pháp tốt nhất để thoát khỏi những ảnh hưởng này.
Biện pháp phòng tránh cơn đau xương khớp ngày Tết
Để ngăn chặn bùng phát cơn đau khớp, nhất là với người có tiền sử khớp mạn tính trong mùa Tết, cần:
Tập luyện thể dục vừa sức vào ngày Tết giúp phòng ngừa sự xuất hiện của cơn đau khớp
– Chế độ tập luyện
Thường xuyên tập luyện các môn thể thao vừa sức như: yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội,… để tạo điều kiện cho khối cơ xung quanh khớp trở nên chắc khỏe, hạn chế vấp ngã vì khớp mất đi độ vững chắc.
Quá trình tập luyện sẽ giúp cho hệ thống cơ hoạt động liên tục, nhờ đó mà cử động khớp trở nên linh hoạt, trơn tru, tình trạng đau và căng cứng khớp cũng được giảm xuống. Trước khi tập nên khởi động kĩ nhằm hạn chế tình trạng co cứng cơ.
Người làm việc văn phòng hay có tính chất công việc ít vận động nên thường xuyên đứng lên, di chuyển để thư giãn gân cốt, tránh tạo áp lực cho cột sống, nhờ đó mà phòng ngừa được chứng đau nhức xương khớp mùa Tết.
Ngồi nhậu nhiều trong ngày Tết cũng có thể gây đau lưng. Vì thế, khi ngồi nhậu nên giữ lưng thẳng, không nên ngồi xếp bằng hay ngồi xổm mà chỉ nên ngồi với một khoảng thời gian ngắn rồi đứng dậy để tránh ảnh hưởng đến xương khớp.
– Chế độ ăn uống
Cung cấp đầy đủ năng lượng là việc cần thiết để xương khớp đảm bảo hoạt động. Muốn vậy, vào ngày Tết nên chọn nguồn năng lượng tốt cho khớp để bổ sung cho cơ thể như: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin trong rau xanh,… và hạn chế nạp nhiều năng lượng vào buổi tối để tránh tình trạng dư thừa năng lượng không tiêu hao hết gây tích tụ mỡ thừa.
Một số thực phẩm tốt cho người bị đau xương khớp
Nếu mắc bệnh gout thì cần tránh uống bia rượu vì đây là một trong các yếu tố làm tăng tăng axit uric máu – tác nhân gây ra gout. Hạn chế loại đồ uống này, bổ sung trái cây và rau xanh, ăn ít đạm là cách để ổn định chỉ số axit uric máu nhờ đó mà tránh được cơn đau nhức xương khớp mùa Tết do bệnh gout gây ra.
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng trong những ngày Tết, đặc biệt chú ý tăng cường rau xanh và trái cây tươi, hạn chế đồ nếp, giảm ăn thịt đỏ, tránh đồ uống có cồn,… chính là việc làm giúp phòng ngừa hiệu quả sự xuất hiện của cơn đau xương khớp ngày Tết.
– Chăm sóc cơ thể
Người đã có tiền sử với các cơn đau nhức xương khớp thì vào ngày Tết cần chú ý giữ ấm cơ thể bằng cách uống trà nóng, đi tất chân và đeo găng tay, mặc đủ ấm,… Nếu trời mưa hoặc quá lạnh thì nên hạn chế đi ra ngoài.
Khi có cơn đau nhức xương khớp vào ngày Tết hãy ngâm chân tay vào nước ấm hoặc dùng túi chườm nóng để làm mềm cơ, giãn mạch. Việc làm này sẽ giúp cải thiện vận động và giảm đau ở khớp.
Ngoài những biện pháp nêu trên thì việc lên lịch dọn dẹp nhà cửa sao cho hợp lý cũng là cách giúp giảm áp lực cho xương khớp. Nếu ngày Tết bạn có kế hoạch đi du lịch hay di chuyển xa thì nên chú ý đảm bảo các biện pháp an toàn tham gia giao thông, tránh để xảy ra chấn thương ảnh hưởng tới hệ thống vận động.
Xem thêm: Điều trị và phòng ngừa loãng xương không chỉ dành cho người già